Đồng phục học sinh - 'đồng khổ' của nhiều phụ huynhBài 1: Nỗi lo mang tên đồng phục

Cứ vào mùa tựu trường, vấn đề đồng phục lại 'nóng'. Tuy nhiên, năm nào cũng chỉ duy nhất một câu chuyện, chất lượng không tương xứng với giá cả. Quần áo không có bán ngoài thị trường khiến phụ huynh không mua ở trường thì không có cho con em mình…

Làm cha mẹ ai cũng đều mong muốn con em mình đến trường với bộ quần áo chất lượng tốt, thoáng mát nhưng phía sau bộ đồng phục của học sinh bây giờ là nỗi lo không nhỏ của các bậc phụ huynh.

Đồng phục “độc lạ” chỉ mỗi trường có

Chị Đ.T.H, phụ huynh có con học lớp 1 trường Tiểu học Thanh Xuân Trung phải mua 5 bộ đồng phục cho con. Dù trường chỉ quy định mặc đồng phục vào thứ hai, tư, sáu nhưng còn tiết thể dục vẫn phải mặc đồng phục. Vì thế, chị đành phải mua thêm đồng phục thể dục, rồi đồng phục mùa đông và áo khoác… “Nếu như mọi năm các con chỉ có áo khoác gió là đồng phục mùa đông thì năm nay phụ huynh phải mua cả bộ đồng phục mùa đông kiểu dáng thể thao. Không mua thì con không có áo giống bạn mặc đến trường mà mua thì ức chế. Đã thế quần đồng phục của nhà trường lại không giống ai, màu xanh như là màu đồng phục của dân quân tự vệ, khiến cho chúng tôi tìm mua bên ngoài cũng khó, đành phải mua ở trường”, chị H bức xúc nói..

Một phụ huynh có con học lớp 1 trường Tiểu học Việt Hưng (Long Biên) cho biết, năm nay mẫu đồng phục vào lớp 1 của các con khác hẳn so với lứa anh chị. Theo đó, đồng phục có quần (đối với nam) và chân váy kẻ (đối với nữ), phối cổ, viền tay bằng vải. Giá bộ cộc tay là 165 nghìn đồng và bộ dài tay là 170 nghìn đồng. “May mà tôi đăng ký mua đồng phục tại trường khi đến nhập học cho con, nếu chủ quan như mọi năm thì con không có đồng phục để mặc. Mua ở bên ngoài làm gì có mẫu đồng phục “độc” như thế”, phụ huynh này than thở.

Có thể thấy, nếu chỉ đơn giản chỉ là áo trắng quần sẫm mầu thì phụ huynh dễ xoay sở nhưng đồng phục của một số trường cầu kì, phức tạp theo cách rất riêng. Có trường nữ sinh phải mặc váy đỏ, bên trên là áo trắng vải phông dày, hai bên ống tay áo đáp viền đỏ, cổ áo cũng màu đỏ theo đúng tông màu váy. Có trường lại điểm xuyết dăm ba họa tiết nhỏ ở cổ áo, ống tay hoặc có thêm lớp diềm ở chân váy… Đặc biệt, bộ đồng phục thể dục thì càng không theo bất cứ quy định nào, mỗi trường một mẫu. Phụ huynh không mua trong trường thì không thể mua ở đâu khác bởi áo quần với vài màu vải khác nhau… Nhiều phụ huynh đành phải mua đồng phục thể dục cho con ở trường, tiện thể mua luôn cả bộ đồng phục mặc đi học dù họ không thích chất lượng vải.

Phải mặc đồng phục cả tuần

Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 6 trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Do trường bắt mặc đồng phục cả tuần, không đồng phục sơ mi thì đồng phục thể thao nên tôi phải mua đến gần 4 triệu đồng tiền quần áo cho con (mua đủ mỗi loại một bộ thì hết hơn 2 triệu đồng). Nhà neo người, lại bận việc, không phải hôm nào cũng giặt ngay đồ được, hơn nữa mưa nắng thất thường nên phải mua mỗi loại ít nhất hai bộ để lỡ chưa kịp khô hay chưa kịp giặt con vẫn còn có đồng phục mặc”.

Được biết, hầu hết các trường THCS và THPT đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục cả tuần (bao gồm cả đồng phục thể dục). Phải thừa nhận rằng, quy định học sinh mặc đồng phục là để tạo sự bình đẳng giữa các học sinh, giúp các em tăng cường đoàn kết, tạo cảm giác tự hào về ngôi trường. Nhà trường đưa ra một khuôn mẫu về trang phục của học sinh để tránh cách ăn mặc bất lịch sự… Tuy nhiên, việc cắt xén phần trăm từ những bộ đồng phục học sinh đã khiến chất lượng bộ đồng phục bị giảm đi. Không ít trường may chất liệu vải pha nhiều nilon, đũng quần thường rất chật, mũi chỉ thưa, đường vắt sổ lỏng lẻo, những sợi chỉ thừa dài loằng ngoằng chỉ rút nhẹ là tuột hết… Học sinh lại đang tuổi nghích ngợm nên bục chỉ liên tục. Không ít phụ huynh phải mua để dành vài bộ đề phòng rách…

Nhiều phụ huynh ý kiến rằng, quy định bắt học sinh mặc đồng phục cả tuần là tạo gánh nặng kinh tế cho các gia đình nghèo. Cái gì không tạo ra chất lượng học tập thì nên bỏ bớt để giảm gánh nặng chi tiêu cho gia đình học sinh. Nhà trường càng bày vẽ ra nhiều thứ rườm rà càng khiến phụ huynh bức xúc.

Phụ huynh là người bỏ tiền ra mua đồng phục mà chất lượng không tốt thì không thể không bực mình nhưng suy cho cùng, khổ nhất vẫn là người mặc đồng phục. Các em đang tuổi ăn tuổi lớn, mặc những bộ đồng phục không thấm mồ hôi, chỉ cần chạy nhảy mạnh là đứt chỉ, tuột khuy áo, rách đũng quần… thì sao học hành, vui chơi thoải mái?

Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định việc mặc đồng phục của học sinh “phải bảo đảm tính thẩm mĩ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường”. Đồng phục phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường không được bắt ép học sinh mặc đồng phục hằng ngày. Tuy nhiên, trường nào cũng chạy theo phong trào đồng phục, trên văn bản, phiếu phát về cho phụ huynh đăng ký thì đều thể hiện sự tự nguyện nhưng với mẫu mã “độc lạ”, sự tự nguyện đó là việc “cực chẳng đã”. Điều đáng nói, phụ huynh nào kêu ca, phản hồi tiêu cực về đồng phục lại lo con “gặp nhiều rắc rối tại trường”, nên hầu hết họ chỉ biết than thở với nhau.

(Còn nữa)

Mai Khôi

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-1-noi-lo-mang-ten-dong-phuc-d2055351.html