Dòng phim về đề tài chiến tranh vẫn gây 'thổn thức' nơi phòng vé

Rất hiếm tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh như 'Truyền thuyết về Quán Tiên' lượng khán giả chen chân nơi phòng vé từ những ngày đầu công chiếu. Họ đánh giá cao tâm huyết làm nghề của đội ngũ sản xuất phim, đặc biệt là khâu biên kịch đã khéo léo phản ánh đề tài xưa cũ dưới góc nhìn thời đại.

Chỉ sau vài ngày công chiếu chính thức vào giữa tháng 5-2020, bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) đã nhận được đánh giá cao từ hội đồng chuyên môn và khán giả. Bên cạnh nội dung kịch bản vừa thân quen vừa lạ kỳ thì dàn diễn viên với diễn xuất tròn trịa đã chinh phục cả những khán giả khó tính nhất. Bộ phim với đề tài chiến tranh, cụ thể là tôn vinh hình ảnh những nữ thanh niên xung phong (TNXP) trong thời khói bom lửa đạn với những góc khuất chưa từng được phản ánh trong nghệ thuật. “Tưởng chừng bộ phim đề tài chiến tranh khô khan, cứng nhắc thông điệp tuyên truyền thì bước vào phòng chiếu, hình ảnh thước phim qua câu chuyện kể tạo nên sự lôi cuốn lạ kỳ. Thực sự chưa từng xem bộ phim đề tài chiến tranh lại hấp dẫn đến như vậy” là ý kiến ngợi khen từ phía khán giả.

Diễn xuất tròn vai của 3 nữ bộ đội là điểm sáng của bộ phim với đề tài lịch sử. Ảnh: Đoàn làm phim

Diễn xuất tròn vai của 3 nữ bộ đội là điểm sáng của bộ phim với đề tài lịch sử. Ảnh: Đoàn làm phim

Dưới góc nhìn của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ, anh đã kể câu chuyện đúng mạch, chuyện được chuyển thể từ cuốn truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều. Sau gần 3 thập kỷ, tác phẩm đâu đó vẫn râm ran nhiều tranh luận về nội dung thì việc chuyển thể từ tác phẩm văn học lên điện ảnh đã hóa giải phần nào những khúc mắc nhiều tầng nghĩa. Trên phim, Đinh Tuấn Vũ đã lột tả được góc khuất về cuộc đời của 3 nữ TNXP gồm Mùi (Thúy Hằng), Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh), Phượng (Hồ Minh Khuê). Mỗi cô gái đến từ một miền quê với những số phận riêng, nhưng họ cùng được giao một nhiệm vụ: đóng tại một hang động nằm sâu giữa rừng già, biến nơi đây thành trạm dừng chân cho các chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn.

Cả 3 nữ bộ đội còn rất trẻ, nếu Mùi là “chị Đại” nhưng chỉ 21 tuổi, thì Lan và Phượng ở ngưỡng tuổi 18, 19. Bộ phim không chỉ khắc họa sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh mà còn thể hiện được số phận mỗi cô gái với đời sống nội tâm giằng xé và những khao khát rất con người. Cái “ẩn ức tình dục” gợi lên cho người xem không phải là thước phim quá trần trụi, hình ảnh đã được ẩn dụ hóa ít nhiều. Và “nhân vật kỳ lạ” là ông khỉ như đại diện của thiên nhiên an ủi, vỗ về, chia sẻ với những nỗi cô đơn của con người nơi rừng thiêng, nước độc.

Thực tế, bộ phim đã chạm tới cảm xúc khán giả bởi cách kể chuyện độc đáo của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Anh đã phá bỏ khung áp đặt cho phim với đề tài lịch sử mà rất hiếm những bộ phim trước đó từng thể hiện. Lần đầu tiên, điện ảnh Việt dám đưa nhân vật “vượn” tham gia vào câu chuyện rất dài. Vượn sống cô độc trong rừng hoang, thèm hơi người, thèm được yêu thương như người, vì vợ con vượn cũng bị bom giết chết... Nhân vật vượn xuất hiện không chỉ để tăng sự hấp dẫn mà còn lột tả sự khốc liệt của chiến tranh một cách khéo léo qua lăng kính nghệ thuật.

Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ tiết lộ, phim được khởi quay tháng 5-2019, sau 6 tháng bộ phim đóng máy, nhưng ê-kíp phim đã phải mất 1 năm rưỡi để sống cùng phim, lựa chọn những điều tốt nhất dành cho phim. Bối cảnh phim được quay tại vùng núi Quảng Bình, với địa hình hiểm trở, nhưng đoàn làm phim đã vượt qua những khó khăn để mang đến những thước phim nghệ thuật tới khán giả. Ròng rã 6 tháng trời vật lộn với cái nắng gay gắt của những ngày tháng 5 ở vùng núi Quảng Bình, vượt qua những địa hình hiểm trở và mỗi ngày quay từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ là một thách thức lớn đối với cả ê-kíp. Nhưng, tinh thần làm việc của đoàn phim khẩn trương và hào hứng. Nhiều người bị những vết thương khắp người do vắt rừng, ruồi độc đốt hay nước ăn chân… nhưng chưa một ai ngại ngần. Và dường như đoàn làm phim còn có được sự ủng hộ tâm linh nào đó từ những liệt sỹ đã ngã xuống trên tuyến đường 20 của Trường Sơn huyền thoại.

“Truyền thuyết về Quán Tiên” là tác phẩm điện ảnh được Nhà nước tài trợ 70% kinh phí làm phim. Dù vậy, đoàn làm phim không dựa vào kinh phí đầu tư sẵn có mà lơ là trong việc sáng tạo sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Ngoài việc đầu tư hình ảnh, diễn xuất, một điểm cộng khác của bộ phim chính là âm nhạc. Theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, ca khúc nhạc phim “Anh ở nơi đâu” được đặt hàng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện. Ca khúc được thu âm bởi dàn nhạc giao hưởng quốc tế “The Sun Symphony Orchestra”, toàn bộ phần âm nhạc của bộ phim chiếm kinh phí đầu tư lên đến 1,2 tỷ đồng. Đây cũng là con số phá vỡ mọi kỷ lục về kinh phí âm nhạc trong một bộ phim Việt Nam từ trước đến nay.

“Truyền thuyết về Quán Tiên” được hoàn thành sau 11 tháng bấm máy và ra mắt đầu tiên tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 hồi cuối năm 2019. Cách khai thác đề tài hay, hấp dẫn, bộ phim giành giải Bông sen Bạc và giải Âm nhạc xuất sắc cho nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Vừa qua, bộ phim nhận danh hiệu Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam tại giải Cánh diều vVàng 2020. Sau thành công giải thưởng, bộ phim chính thức phát hành vào ngày 22-5, trở thành phim Việt mới đầu tiên và duy nhất công chiếu tại các rạp thời “hậu Covid-19”. Chính yếu tố về “thiên thời, địa lợi” đã giúp cho bộ phim đề tài chiến tranh này trụ vững tại rạp chiếu. Hơn hết, đó là sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa từ tâm huyết, sáng tạo của những nghệ sĩ cháy hết mình với điện ảnh Việt.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dong-phim-ve-de-tai-chien-tranh-van-gay-thon-thuc-noi-phong-ve-194842.html