Dòng phim hình sự vẫn thiếu sức bật để chạm đến trái tim khán giả

Sau gần 5 năm vắng bóng trên truyền hình, khán giả kỳ vọng 'Mê cung' (đạo diễn Khải Anh) sẽ thổi làn gió mới cho phim truyền hình với mảng đề tài hình sự. Tuy nhiên, sự kỳ vọng đó nhanh xóa tan bởi bộ phim càng về cuối lại 'quá nhạt'…

Trước thời điểm khởi chiếu, bộ phim “Mê cung” được giới thiệu là bộ phim “bom tấn” đề tài phim hình sự, kịch bản được nhà biên kịch Trung Dũng “chắp bút” - người từng tạo tiếng vang cho bộ phim “Người phán xử” xây dựng từ những tình huống của những vụ án có thật. Bên cạnh kịch bản lạ, kịch tính, hành trình phá án nghẹt thở thì những gương mặt của cùng loạt diễn viên trẻ tài năng và sự lột xác của diễn viên gạo cội cũng được khán giả mong chờ.

Tuy nhiên, dù được chắp bút từ nhà biên kịch Trung Dũng từng đưa “Người phán xử” trở thành bộ phim lịch sử khi thu hút được chú ý của khán giả thì đến “Mê cung”, cho thấy nhiều điểm trừ về khâu kịch bản. Hiện, bộ phim đang chiếu phần 3 xoay quanh mối quan hệ phức tạp trong gia đình đại gia Đồng Vĩnh và cô con gái Đồng Lan.

Theo chia sẻ của đạo diễn Khải Anh, phần 3 “Mê cung” chứa đựng nhiều tình tiết bí hiểm khiến khán giả phải đau đầu suy luận. Dù kịch bản cài cắm những nhân tố mới như vợ cả và vợ hai của Đồng Vĩnh, các thành viên trong Hội Ác la… nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn cho bộ phim. Một điểm đáng ghi nhận là “Mê cung” không sử dụng diễn viên đóng thế. Các diễn viên tham gia phải thực hiện những cảnh đánh nhau, rượt đuổi thật để tạo nên cảm xúc chân thật cho người xem. Nếu khi diễn, các diễn viên đều có áp lực riêng nhưng khi quay xong, họ đều nhận thấy yêu cầu của bộ phim tạo cho họ động lực khi diễn.

Trong một bài phỏng vấn với PV báo PL&XH, diễn viên Phan Thắng (vai trinh sát Bình) chia sẻ: “Cảnh quay ám ảnh nhất với Thắng đó là cảnh đập vỡ cửa kính ô thông gió và nhảy tiếp đất độ cao 3m trên tầng thượng của tòa nhà 6 tầng. Cảnh quay vào lúc 3g sáng. Yêu cầu của đạo diễn là chỉ quay đúng 1 đúp phim. Nhìn xuống những mảnh kính vỡ khiến Thắng có chút tâm lý. Với suy nghĩ bản thân không lo bị chấn thương mà áp lực về giữ hình ảnh cho những tập phim sau. Và, Thắng đã liều. Anh nhảy xuống và bị trượt chân ngã vào tủ gỗ gần đó. Dù khá đau nhưng Thắng vẫn tiếp tục đứng lên diễn tiếp. Cảnh quay đắt giá được đạo diễn Khải Anh đánh giá cao”.

Phần 3 bộ phim “Mê cung” đề cập đến mối quan hệ phức tạp trong gia đình đại gia Đồng Vĩnh và cô con gái Đồng Lan. Ảnh Đoàn làm phim

Phần 3 bộ phim “Mê cung” đề cập đến mối quan hệ phức tạp trong gia đình đại gia Đồng Vĩnh và cô con gái Đồng Lan. Ảnh Đoàn làm phim

Nhiều khán giả nhận xét, sự chân thực trong từng thước phim khiến khán giả “lạnh sống lưng”, thậm chí ám ảnh khi phim ngừng chiếu bởi những phân cảnh quay ấn tượng với những góc quay bám theo chân của nhân vật. Công nghệ thu tiếng trực tiếp các diễn viên không phải “gồng” mình khi thoại. Mặc dù, rất khó tạo lập được cú hích lịch sử như “Người phán xử” nhưng “Mê cung” ít nhiều đã mang đến hình ảnh mãn nhãn, chân thực với người xem.

“Phim hình sự không dễ làm”, đó là thực tế của những nhà làm phim hiện nay. Bởi, kể từ những thập niên 1990, 2000 nhiều bộ phim trong series phim “Cảnh sát hình sự” được sản xuất như: Nước mắt của mẹ, Truy đuổi tội phạm, Cái chết con thiên nga, Bí mật hồ hang rắn, Hãy về với em…. Sau đó, Bản di chúc bí ẩn, Câu hỏi số 5, Đầm lầy bạc…, đều sản xuất ngắt quãng. Phải đến năm 2017, “Người phán xử” một bộ phim remake từ Isarel nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Dù là bộ phim Việt hóa nhưng lối kể chuyện nhanh, hiện đại, mô tả những tình tiết gay cấn, bất ngờ không thể đoán trước đã tạo bước đột phá cho mô tip loạt phim cảnh sát hình sự trước đây.

Lý giải cho việc sản xuất phim dòng hình sự “vắng bóng” gần đây chính là thiếu kịch bản và kinh phí. “Thể loại hình sự rất tốn kém cả về kinh phí và công sức. Nếu “Người phán xử” chúng tôi mất 5 ngày để quay 1 tập thì “Mê cung” là 7-8 ngày/tập, vì có nhiều cảnh khó và công phu”, đạo diễn Khải Anh chia sẻ.

Thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một phim trường lý tưởng cho các nhà làm phim. Phim hình sự cần nhiều đại cảnh hoặc những cảnh quay hành động, đó là khó khăn của nhà làm phim khi đi tìm bối cảnh quay. Trong khi, nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng cao đã tạo sức ép không nhỏ tới nhà làm phim trong nước. Dù vậy, để tạo nên nhiều món ăn tinh thần mới cho khán giả, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam luôn hướng tới đa dạng hóa thể loại phim với nhiều đề tài khác nhau: hôn nhân, gia đình, tình yêu, dòng phim hình sự,…

Sắp tới, sau “Mê cung” thì “Bão ngầm” (dự án phim cảnh sát hình sự của tác giả Đào Trung Hiếu, đạo diễn Đinh Thái Thụy) vừa chính thức bấm máy hồi tháng 6 tiếp tục đánh dấu cho sự trở lại của dòng phim hình sự. “Bão ngầm” kể về hành trình điều tra, bóc gỡ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, vạch trần bộ mặt thật của tên trùm mafia ẩn dưới vỏ bọc chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn. Phim còn đề cập đến cuộc chiến “bão ngầm” giữa các mặt đối lập trong một cơ quan, tổ chức, cuộc chiến đấu trong nội tâm của người lính.

Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông CAND, Bộ Công an). Tác giả đã có gần 20 năm lăn lộn trong nghề, từng hoạt động nghiệp vụ trong hang ổ tội phạm, thực hiện nhiệm vụ trong các chuyên án về ma túy nên “Bão ngầm” hứa hẹn là tác phẩm phản ánh chân thực cuộc đấu tranh giữa hai phe chính – tà. Khán giả hi vọng dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Đinh Thái Thụy, bộ phim sẽ tạo dấu ấn cho những người yêu thích phim ảnh, đặc biệt thể loại hình sự.

Dòng phim hình sự trở lại sau thời gian vắng bóng dù là hướng đi cũ nhưng với sự đổi mới từ kịch bản đến khâu chọn lựa diễn viên, mặc dù còn có những điểm trừ nhưng việc “đổi gió” kịch bản cũng là cách “lấy ngắn nuôi dài” để kéo khán giả trở lại với màn ảnh Việt từng một thời gian chìm nổi trước sự ép sóng của các gameshow giải trí.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dong-phim-hinh-su-van-thieu-suc-bat-de-cham-den-trai-tim-khan-gia-153244.html