Đồng ơ-rô - Thất vọng và hy vọng

Những ngày đầu năm mới, đồng tiền chung châu Âu (ơ-rô) lại tiếp tục rớt giá so với đồng USD và có nguy cơ tiếp tục xuống giá mạnh. Đây là tín hiệu cảnh báo khó khăn đang chờ đợi nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2015. Liệu đồng ơ-rô có thể phục hồi sau một năm diễn ra không như kỳ vọng của người châu Âu?

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Phrăng-phuốc (Đức). Ảnh: Reuters

Trong ngày đầu tiên làm việc trở lại tại châu Âu sau 2 tuần nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, đồng ơ-rô tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ còn 1,195 USD, xuống dưới ngưỡng 1,2 USD của cuối tuần trước. Với mức sụt giảm này, đồng ơ-rô đang ở ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2005, thời điểm 1 ơ-rô tương đương 1,18 USD.

Như vậy, trong vòng một năm qua, đồng ơ-rô đã mất giá tới 12% so với đồng “bạc xanh”. Lý do trực tiếp khiến đồng ơ-rô giảm giá là do đồng USD mạnh lên. So với các đồng tiền đang cạnh tranh vị thế toàn cầu, đồng USD trong năm qua đã có sự trở lại ngoạn mục nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến đồng ơ-rô mất giá chính là triển vọng mờ mịt của nền kinh tế châu Âu. Bất chấp hàng loạt biện pháp cứu trợ, nền kinh tế của các nước sử dụng đồng tiền chung phục hồi quá chậm, tăng trưởng cả năm 2014 của khối chỉ đạt khoảng 0,8%, thấp hơn tới 1,4% so với dự báo trước đó. Những nền kinh tế lớn nhất khu vực tiếp tục phát đi tín hiệu suy thoái. Đặc biệt, báo cáo từ Đức vô cùng thất vọng, với doanh thu bán lẻ, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, chỉ số PMI sản xuất, CPI sơ bộ, tất cả đều không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Theo các chuyên gia, trong năm 2015, đồng ơ-rô sẽ còn tiếp tục xuống giá hơn nữa. Hai đại gia ngân hàng Mỹ là Goldman Sachs và Morgan Stanley dự báo trong năm 2015, tỷ giá giữa đồng ơ-rô và USD sẽ giảm xuống còn 1 ơ-rô = 1,15 USD. Có hai nguyên nhân chính lý giải sự tiếp tục sụt giảm này.

Thứ nhất, qua những phát biểu được giới truyền thông đăng tải, dường như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Ma-ri-ô Đra-ghi đang muốn quá trình giảm giá của đồng ơ-rô diễn ra nhanh hơn để chống lại nguy cơ giảm phát trong Eurozone. Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt số ra đầu tháng 1/2015, ông Đra-ghi thông báo ECB đang chuẩn bị các yếu tố kỹ thuật để điều chỉnh quy mô, tốc độ và tính chất trong các biện pháp của ngân hàng nếu thấy cần thiết để chống lại tình trạng lạm phát quá thấp kéo dài. Lạm phát trong Eurozone chỉ còn 0,3% trong tháng 11/2014 - mức thấp báo động so với mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát khoảng 2% của ECB, và có thể rơi xuống mức âm, nhất là sau khi có hiệu ứng rõ rệt của việc giá dầu thế giới giảm.

Để tránh nhấn chìm Eurozone trong giảm phát, tại kỳ họp ngày 22/1 tới, nhiều khả năng ECB sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế mới, bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính của Eurozone. Một mặt, gói kích thích này tạo thêm sức sống cho các hoạt động kinh tế, mặt khác tiếp tục thúc đẩy quá trình giảm giá đồng tiền chung để tạo thuận lợi cả cho xuất khẩu và lạm phát.

Ngoài ra, ECB có thể thực hiện gói kích thích thông qua hình thức mua lại trái phiếu chính phủ của các nước đang gặp khó khăn tài chính, khiến giá trị của đồng ơ-rô càng giảm bởi phải gánh chịu thêm rủi ro. Chưa kể, hiện ECB vẫn muốn giữ mức lãi suất thấp 0,05% trong một thời gian dài nữa trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại bắt đầu có dấu hiệu sẽ nâng lãi suất cơ bản đóng băng ở mức gần 0% trong năm qua, khiến các nhà đầu tư đã tìm đến với đồng USD nhiều hơn đồng ơ-rô.

Thứ hai, những rủi ro xuất phát từ Hy Lạp cũng sẽ tạo áp lực nữa đối với đồng ơ-rô trong thời gian tới. Châu Âu đang nín thở chờ đến ngày bầu cử quốc hội 25/1 ở Hy Lạp, mà theo dự đoán đảng thiên tả Syriza sẽ giành chiến thắng. Đảng này muốn đàm phán lại các điều khoản trong gói cứu trợ 240 tỷ ơ-rô mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã trao cho Hy Lạp để cứu quốc gia này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất lịch sử vào năm 2010. Kịch bản xấu nhất là Syriza sẽ đòi giảm một khoản lớn trong nợ công của Hy Lạp vốn đang chiếm 175% GDP của nước này và nếu không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp có thể sẽ bị vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone.

Thực tế cho thấy Eurozone đang trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ nhiều thập kỷ qua và sự sụt giảm giá trị đồng tiền đã được dự báo trước. Trái với hy vọng của người dân châu Âu về một nền kinh tế sớm lấy được động lực tăng trưởng, đồng tiền chung không mất giá mạnh so với các đồng nội tệ của đối tác thương mại của EU, các nhà đầu tư cho rằng đồng ơ-rô sẽ tiếp tục đi xuống.

Tất nhiên đó chỉ là dự báo, việc đồng ơ-rô có thể phục hồi hay không phụ thuộc khá nhiều vào những quyết định của ECB dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này cũng như những nỗ lực cải cách của các nước thành viên Eurozone trong thời gian tới. Hơn nữa, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, Eurozone đã thiết lập những “hàng rào phòng thủ” để bảo vệ đồng tiền chung của khu vực. Và lần này ECB cũng đã cam kết sẽ bảo vệ đồng ơ-rô bằng mọi giá. Như vậy, người châu Âu có quyền hy vọng vào một năm tốt đẹp hơn.

Huyền Lan

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dong-o-ro-that-vong-va-hy-vong/