Làng 'hóa thân' cho cây phát lộc tất bật chuẩn bị hàng đón Tết

Những ngày này, làng nghề làm cây phát lộc thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng, Thái Bình) đang tất bật chuẩn bị hàng để cung cấp cho dịp Tết Nguyên Đán.

Những chậu "Lục bình" phát lộc được trang trí lộng lẫy chờ đón Tết

Những chậu "Lục bình" phát lộc được trang trí lộng lẫy chờ đón Tết

Cách thị trấn Đông Hưng tầm 5km, làng hoa Đình Phùng (xã Minh Tân) được nhiều người biết đến là một trong những làng hoa lớn nhất của tỉnh Thái Bình.

Bên cạnh đào phai, cúc vạn thọ, làng hoa Đình Phùng còn nổi tiếng với sản phẩm cây phát lộc. Đây là một sản phẩm được xem là đặc trưng của làng hoa và có sức tiêu thụ rất tốt mỗi độ xuân sang.

Những ngày này, đặt chân vào thôn Đình Phùng, mọi người đều có thể dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của những chậu cây phát lộc. Thay vì cắt tỉa cây về để bán một cách đại trà như nhiều nơi, đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tại đây đã giúp cây phát lộc “hóa thân” thành những lẵng cây, chậu tháp... bắt mắt.

Với bàn tay tài hoa, những nghệ nhân làng hoa Đình Phùng đã thổi hồn vào những tòa tháp phát lộc

Không ai trong thôn Đình Phùng còn nhớ cái nghề “hóa thân” cho cây phát lộc du nhập về đây tự bao giờ. Chỉ nhớ rằng, hơn nhiều năm về trước, có người ở làng đi Trung Quốc thấy bên đó họ làm rất đẹp và có nhiều người mua về chơi trong dịp Tết. Người đó đã “học mót” về tự làm.

Sản phẩm được ưa chuộng và phổ biến nhất ở đây có thể kể đến chậu tháp phát lộc với đủ kiểu dáng, kích cỡ, phù hợp với túi tiền của người chơi.

Loại nhỏ chỉ 2-3 tầng có giá từ vài chục nghìn đồng nhưng có loại lên đến 9-10 tầng có giá vài trăm nghìn thậm chí có thể lên đến tiền triệu. Đó là chưa kể đến những sản phẩm khác như: “Lục bình phát lộc” hay các bó cây bán lẻ để người mua tự trang trí.

Cây lộc được chọn lựa, cắt thành từng đoạn rồi được hô biến thành những tòa tháp độc đáo

Để tạo được các chậu cây có nhiều tầng, ra mầm, bật, nhú lộc vào đúng lịch trong dịp Tết Nguyên Đán thì công việc của người dân ở đây phải bắt đầu từ tháng 8 Âm lịch.

Cứ vào thời điểm đó, thôn Đình Phùng lại sôi động, nhộn nhịp hẳn lên. Người già, trẻ em thì bóc lá, cắt đốt còn thanh niên nhanh nhẹn khéo tay thì uốn cành làm tháp. Mỗi người mỗi việc, mọi người đều cố gắng làm việc để có một cái Tết đầm ấm, no đủ.

Gắn bó với nghề làm cây phát lộc gần 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Cúc cho biết: “Để tạo ra những tòa tháp phát lộc thì cần thêm công đoạn cắt những nhánh cây ra thành từng đoạn nhỏ theo yêu cầu.

Với ý nghĩa mang tài lộc về nhà, tháp phát lộc rất được ưa chuộng mỗi độ Tết đến

Việc cắt lộc cũng cần phải có kĩ thuật và am hiểu về sự phát triển của cây. Cây lộc có nhiều chồi, lại rất dễ ra rễ nên lúc cắt cần chú ý giữ lại phần đốt để cây có thể ra lá, ra rễ.

Muốn có một chậu tháp phát lộc đẹp, người làm cần phải lựa chọn những cây to bằng nhau, đều. Khi cắt cũng phải chú ý cắt cho các đốt lộc có chiều dài bằng nhau. Các mắt lộc phải được bố trí hướng ra ngoài để khi đâm chồi sẽ có 1 tòa tháp đẹp hơn”.

Bà Nguyễn Thị Hương với thâm niên hơn 13 năm trong nghề làm tháp lộc cũng chia sẻ: “Để các tầng cùng “phát” (nảy mầm) một lúc, chúng tôi phải mất rất nhiều công.

Tất bất với công việc nhưng nghề làm tháp phát lộc, lục bình phát lộc ở Đình Phùng khiến cuộc sống của người dân được cải thiện

Ngay đầu năm đã phải lọc các mầm để khi mang ươm trồng có độ tuổi bằng nhau. Khi cây lớn thì dùng tre, dây căng buộc, bắc giàn để cây lên thẳng. Hoàn thành sản phẩm mà gặp gió đông, heo may, thời tiết lạnh phải che chắn, lựa nước mà giữ độ ẩm trong chậu, sao cho cây điều tiết hút nước đều”.

Khi đã chuẩn bị xong các đốt lộc thì công đoạn khó nhất là ghép tháp. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của người làm. Anh Ngô Bá Hùng (nghệ nhân ghép tháp lộc với thâm niên hơn 10 năm) chia sẻ:

Để đẹp măt, mỗi chậu lục bình phát lộc đều được gắn thêm nơ trước khi về nhà với khách hàng

“Bắt đầu ghép cây bằng cách bạn ghép tầng cao nhất của tháp phát lộc trước. Ghép những đoạn cây phát lộc xung quanh ống nhựa sao cho những đoạn cây nhô cao hơn ống lõi chừng 3 – 4 cm...

Sau khi ghép xong tầng trên cùng, dùng dây nilon buộc chặt lại để cố định các đoạn cây rồi dùng dây nhựa mạ nhũ vàng quấn quanh vừa giúp thân cây chắc chắn, vừa che đi phần dây nilong bên trong.

Giá thành cao nhưng nếu biết chăm sóc, một chậu lục bình phát lộc có thể chơi được 2-3 năm

Khi làm chân tháp cần làm to bằng phần miệng chậu và được cố định chắc chắn để khi di chuyển cây không bị nghiêng”.

Cây phát lộc thường được người chơi bày vào ban “Thần Tài” hoặc để trong phòng khách để trang trí cũng rất đẹp và sang. Với những cây to hơn nữa thì có thể để hai bên cửa ra vào. Nó vừa có ý nghĩa mang lại may mắn, phát tài phát lộc vừa tạo được môi trường thiên nhiên trong ngôi nhà.

Những tháp lục bình cao hơn 1,5m như này có giá lên đến vài triệu đồng

Do có sức phát triển rất tốt nên mỗi chậu tháp phát lộc sẽ giữ được vẻ xanh tốt quanh năm, thậm chí 2-3 năm nếu biết chăm sóc nên được nhiều người ưa chuộng.

Cầu kì, tỉ mẩn là thế nên giá bán mỗi chậu cây phát lộc cũng không phải là rẻ thường dao động từ 200 nghìn - 1 triệu đồng/chậu (loại tháp cao 3 - 7 tầng), tùy thuộc vào từng kích cỡ to, nhỏ.

Cá biệt loại 9-15 tầng (cao 150cm) thì giá bán từ 2-3 triệu đồng/chậu. Trung bình một gia đình làm cây ở thôn Đình Phùng bán 200-600 chậu/năm, thu nhập từ 40-70 triệu đồng.

PV - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/lang-hoa-than-cho-cay-phat-loc-tat-bat-chuan-bi-hang-don-tet-37931-3.html