Đồng Nhân dân tệ nhảy vọt đẩy Trung Quốc vào thế 'tiến thoái lưỡng nan'

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại với Mỹ và đang đẩy Bắc kinh vào thế 'tiến thoái lưỡng nan'.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng nhanh thời gian qua. (Nguồn: CNBC)

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng nhanh thời gian qua. (Nguồn: CNBC)

Trang CNN nhận định, nếu đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng giá quá nhanh, thị trường tài chính của đất nước có thể bị xáo trộn bởi dòng vốn mới và sự phục hồi mong manh của nền kinh tế có thể bị chệch hướng.

Nhưng sự can thiệp của chính phủ nhằm làm suy yếu đồng NDT có thể tác động đến Washington, vốn lâu nay vẫn nghi ngờ về mức độ kiểm soát tiền tệ của Bắc Kinh. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang hàn gắn những rào cản thương mại với Mỹ, những cáo buộc mới về thao túng tiền tệ sẽ khiến tình hình xấu thêm.

Đồng NDT tăng giá không phải là một bước phát triển hoàn toàn mới. Đồng tiền này đã tăng hơn 10% trong năm qua. Nhưng gần đây, nó đã tăng vọt và leo lên trên 6,4 NDT đổi 1 USD. Đà tăng giá này một phần do sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc và đồng USD đang yếu đi.

Theo chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management Chaoping Zhu, việc đồng NDT tăng giá cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã sẵn sàng chấp nhận một đồng tiền mạnh hơn.

Ông nói thêm: "PBoC cho phép tỷ giá được giao dịch mỗi ngày trong một biên độ hẹp, điều này có thể cho thấy họ đang cố gắng chống lại sự tăng giá phi mã của thép, vật liệu xây dựng thời gian qua. Đây cũng là các mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Bắc Kinh".

Quá nhanh, quá nguy hiểm?

Bắc Kinh đang lo ngại, hệ thống kinh tế và tài chính của Trung Quốc đang phát triển quá đà.

Nếu đồng NDT tiếp tục tăng quá mạnh, xuất khẩu của nước này có thể trở nên kém cạnh tranh hơn và đe dọa đà phục hồi kinh tế. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đã giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong năm nay và lĩnh vực đó là nguồn cung cấp việc làm chính ở quốc gia này.

Bắc Kinh cho rằng, ổn định tài chính cũng là một điều đáng quan tâm. Nếu quá nhiều dòng tiền không mong muốn chảy vào Trung Quốc, đất nước này có thể phải chứng kiến bong bóng tài sản và gây ra lạm phát.

Cố vấn chính phủ hàng đầu và là cựu quan chức PBoC Sheng Songcheng nhận đinh: "Đất nước phải ngăn chặn dòng tiền đầu cơ lớn bởi điều này có thể gây xáo trộn thị trường tài chính và đặt ra các vấn đề đối với chính sách tiền tệ độc lập".

Để kìm hãm đà tăng của NDT, Bắc Kinh đã thông báo trong tuần này rằng, họ sẽ nâng 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tài sản ngoại hối lên mức 7%, mức tăng mạnh đầu tiên trong 14 năm. Điều này buộc các ngân hàng phải dự trữ thêm ngoại tệ, từ đó sẽ thắt chặt nguồn cung trên thị trường và gây áp lực giảm giá lên đồng NDT.

Đây là một động thái hiếm hoi đối với ngân hàng trung ương. Các ngân hàng từng tuyên bố rằng, sẽ tránh can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ kể từ năm 2017.

Thông báo trên cũng báo hiệu rằng, các nhà chức trách có thể sẵn sàng đưa ra nhiều biện pháp "mạnh tay" hơn nếu cần thiết.

Phó Thống đốc PBoC Liu Guoqiang cho hay, ngân hàng trung ương sẽ "kiên quyết trấn áp" hoạt động đầu cơ tiền tệ.

Song song với đó, Hội đồng Nhà nước của chính phủ đã nhấn mạnh, chính phủ cần phải "duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ và giữ cho đồng NDT về cơ bản ổn định", đồng thời giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối phó với những khó khăn trong sản xuất và hoạt động.

Tác động từ phía Mỹ

Trang CNN nhận thấy, dù làm gì thì Bắc Kinh cũng phải cẩn thận. Washington từ lâu đã cảnh giác với những nỗ lực của Bắc Kinh trong vấn đề kiểm soát giá trị của đồng NDT.

Năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã chỉ định Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ" , sau khi ngân hàng trung ương nước này cho phép đồng NDT suy yếu trong bối cảnh tranh chấp thương mại đang diễn ra. Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận việc này.

Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ leo thang căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa biến mất. Hơn một năm sau khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, thuế quan vẫn áp dụng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Và dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng trong vấn đề nhân quyền và nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Theo chiến lược gia trưởng về ngoại hối châu Á của Mizuho Bank Ken Cheung, cho đến nay, PBoC đã hạn chế sử dụng các biện pháp hiệu quả hơn để kiềm chế đà tăng của đồng NDT.

Đơn cử như cơ quan này có thể sử dụng một công cụ mà họ giới thiệu vào năm 2017, ảnh hưởng đến việc ấn định giá trị đồng NDT hàng ngày. PBoC chưa từng tiết lộ rõ ràng cách công cụ đó hoạt động và đã dừng sử dụng nó vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng các thị trường đã hiểu rộng rãi rằng, công cụ này như một cách để PBoC chống lại tác động của các nhân tố thị trường lên đồng NDT.

Tuy nhiên, ông Cheung nhận thấy, việc sử dụng công cụ đó "có thể gây ra phản ứng dữ dội từ phía Mỹ và làm gián đoạn các cuộc đàm phán thương mại".

Nếu PBoC từ chối đóng vai trò tích cực hơn trong việc kiềm chế giá trị của đồng NDT, chiến lược gia trưởng Cheung nghi ngờ, đồng tiền này có thể sẽ tiếp tục bị tác động bởi USD. Đồng bạc xanh đã suy yếu trong vài tháng qua, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ chính sách tiền tệ ôn hòa và lo ngại lạm phát gia tăng.

Báo cáo việc làm của Mỹ vào tuần trước có thể tiếp tục ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD, khi các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm những dấu hiệu về tình trạng phục hồi kinh tế của đất nước.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã gợi ý rằng, đồng NDT có thể sẽ tiếp tục mạnh trong một thời gian, ngay cả khi điều đó khiến Bắc Kinh khó chịu. Đó là một phần vì họ kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục vào Trung Quốc và đồng USD tiếp tục suy yếu.

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-nhan-dan-te-nhay-vot-day-trung-quoc-vao-the-tien-thoai-luong-nan-147744.html