Dòng người vô tận đi bộ hàng trăm km để về quê vì Ấn Độ phong tỏa

Các công nhân rời nhà vào rạng sáng, hướng về các làng quê ở cách hàng trăm km. Đằng sau họ, thành phố vắng lặng vì phong tỏa, với những con đường, chung cư chính tay họ xây nên.

Chandra Mohan, 24 tuổi, thợ sửa nước ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ, rời nhà lúc 3h sáng 27/3. Đến giữa buổi sáng, anh đã đi được khoảng 40 km, với một balô trên lưng và một túi khác đeo qua ngực. Anh còn phải đi 900 km nữa mới về được nhà ở bang Bihar.

Mohan là một trong hàng nghìn người đang rời khỏi các thành phố lớn nhất của Ấn Độ, sau khi Ấn Độ phong tỏa toàn quốc nhằm chống lại nguy cơ từ đại dịch Covid-19.

Máy bay, tàu hỏa, xe buýt đường dài, taxi - tất cả đều dừng hoạt động, vì vậy Mohan buộc phải lên đường đi bộ về phía đông với 17 thanh niên khác đều là lao động chân tay như anh. Họ đều không biết chắc mình sẽ đi đường nào, sẽ ăn ngủ ở đâu, nhưng có một điều họ biết chắc: khi không còn việc làm, họ sẽ không thể sống sót ở thành phố.

“Chúng tôi hết đường rồi”, Mohan nói với Washington Post, giọng cay đắng. “Nếu chúng tôi không chết vì bệnh, chúng tôi cũng chết vì đói”.

 Chandra Mohan (phải) cùng hàng trăm lao động di cư khác buộc phải rời thủ đô New Delhi vì công việc không còn. Ảnh: Washington Post.

Chandra Mohan (phải) cùng hàng trăm lao động di cư khác buộc phải rời thủ đô New Delhi vì công việc không còn. Ảnh: Washington Post.

Mất cả thu nhập lẫn phương tiện về quê

Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới kéo dài 21 ngày, trong nỗ lực ngăn Covid-19 lây lan tại quốc gia 1,3 tỷ dân. Nước này đang có 700 ca nhiễm, nhưng con số này đang tăng nhanh. Các công ty, cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa, ranh giới giữa các bang bị cấm đi lại, và người dân được yêu cầu không ra ngoài trừ khi để mua thực phẩm, thuốc men.

Ngày 21/3, hệ thống đường sắt, xương sống của giao thông Ấn Độ, tuyên bố đóng cửa. Đến ngày 23/3, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố phong tỏa toàn quốc.

Những ngày sau đó, người dân Ấn Độ phải làm quen với một thực tế hoàn toàn khác. Cảnh sát dùng nhiều cách, bao gồm dùng roi đánh người, để buộc người dân ở nhà, trong khi hàng hóa thiết yếu trở nên khan hiếm ở một số nơi.

Hàng chục triệu lao động di cư không có thời gian để chuẩn bị về nhà. Các thành phố Ấn Độ dựa nhiều vào họ, những người chuyển tới để làm công nhân xây dựng, phục vụ bàn, lái taxi, và phải xa gia đình trong nhiều tháng, nhiều năm. Họ sống tằn tiện và không thường xuyên về nhà.

Đối với họ, lệnh phong tỏa như một “đòn giáng kép”, Washington Post bình luận. Cú sốc đối với nền kinh tế khiến thu nhập của họ bỗng dưng biến mất, trong khi giao thông tạm ngừng khiến họ không thể về nhà như bình thường.

Mỗi ngày, báo chí địa phương ghi nhận những đoàn hàng nghìn người cùng đi bộ về quê. Ảnh: Washington Post.

Kết quả là mỗi ngày, báo chí ghi nhận những đoàn hàng nghìn người cùng đi bộ hướng về nhà. Một số xin đi nhờ xe tải, số khác chen chúc trong các xe buýt tư nhân quá tải.

Đã có dấu hiệu cho thấy nhiều lao động di cư đã phải tìm đến những kẻ môi giới vận chuyển người, với hy vọng được về nhà. Giới chức đã phát hiện hàng trăm người trong các xe tải và tin rằng hàng trăm người khác đang trốn trong một khoang chứa hàng rỗng để đi từ vùng này sang vùng khác của Ấn Độ, theo tin trên báo chí địa phương.

Rajiv Khandelwal, giám đốc điều hành một tổ chức hỗ trợ lao động di cư, nhận được “hàng loạt” cuộc gọi cầu cứu trong những ngày qua, từ những người mắc kẹt ở ranh giới các bang, hay đã hết thức ăn vì mất việc.

Lao động di cư, đa phần đến từ các vùng quê nghèo, bị ảnh hưởng nặng nhất do lệnh phong tỏa ở Ấn Độ. Ảnh: Washington Post.

“Ở lại thành phố, ai cho chúng tôi ăn?”

Ban hành lệnh phong tỏa một cách gấp rút, Ấn Độ không có sự hỗ trợ chính thức nào cho các lao động di cư nghèo. Điều này trái với hỗ trợ mà nước này dành cho các công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài, là những chuyến bay sơ tán từ Trung Quốc, Iran và Italy.

Arjun Kumar, 20 tuổi, cùng bốn anh chị em họ lên Delhi năm vừa rồi để làm thợ xây, kiếm được 4,5 USD mỗi ngày. Nhưng nhiều ngày nay, công việc không còn, mà quê của họ cách tới hơn 700 km. Ngày 27/3, họ vẫn quyết đi bộ về phía đông trên con đường vắng bóng xe, giữa trời mưa lất phất.

Ít nhất là về làng, họ sẽ không chết đói. “Ở thành phố, ai sẽ cho chúng tôi ăn đây?”, Kumar nói với Washington Post.

Payal Kumar, 19 tuổi, đang ngồi nghỉ trên vỉa hè, là cô gái hiếm hoi trong dòng người đa phần là nam. Cô đi chân đất, vì đôi sandal duy nhất đã bị đứt. Nhóm của cô đã hết nước, còn cô thì mệt mỏi, không biết bao lâu nữa mới về được nhà ở cách hơn 200 km.

Payal Kumar (áo hồng, bên phải) đi chân đất vì dép đã bị đứt. Ảnh: Washington Post.

Anar Singh, 35 tuổi, người nhà đi cùng Kumar, làm việc tại một khách sạn, nhưng chủ đã bảo anh không đến làm nữa từ 9 ngày trước, vì khách sạn đóng cửa. Anh chưa nhận được tiền tháng này, và chỉ có 5 USD trong túi.

Họ mang theo túi có chứa ít quần áo và bánh mì. Họ hy vọng có thể trú tạm trong một cửa hàng hay chợ nào đó vào buổi tối. “Bây giờ, chúng tôi vẫn cứ phải đi tiếp”, Singh nói với Washington Post.

Gần một bến xe buýt đường dài ở Delhi, các lao động di cư tập trung với hy vọng mong manh tìm được tuyến xe nào đó. Đến giữa buổi sáng, đã có hàng trăm người tới đợi. Cảnh sát cầm roi bắt đầu lùa họ dọc theo con đường.

Một cảnh sát dùng loa thông báo: “Mọi người phải giữ khoảng cách ít nhất 1 m”. Đám đông mệt mỏi cũng tuân thủ, đi cách nhau ra. Một người hảo tâm đi qua, dừng xe máy và mời họ trà, bánh quy.

Rajesh Mishra, 30 tuổi, họa sĩ, đã đi bộ được bốn giờ, cũng nghe thấy thông báo của cảnh sát. Nhà của anh còn cách hơn 700 km. “Chúng tôi bị mắc kẹt... Hoặc ở lại rồi chết, hoặc về rồi chết”, anh nói với Washington Post, rồi quay ra đi tiếp, hòa vào dòng người trải dài tới vô tận.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dong-nguoi-vo-tan-di-bo-hang-tram-km-de-ve-que-vi-an-do-phong-toa-post1065589.html