Dòng người chen chân hứng 'nước thánh' ở Phủ Na

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu xuân năm mới, hàng trăm người lại về Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) để du xuân, xin 'nước thánh'.

Phủ Na (hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ, ra đời vào năm 1909, được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn) mở hội từ ngày mùng 1 đến 16/2 Âm lịch. Năm 1993, Phủ Na đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh.

Dòng người chen chân tìm về Phủ Na xin "nước thánh".

Na Sơn Động Phủ là đỉnh cao nhất trong dãy núi Nưa. Nơi đây không chỉ đẹp bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét linh thiêng trong tín ngưỡng. Đặc biệt, khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Cửa Rừng (chúa Thượng Ngàn). Chính vì lẽ đó mà năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, du khách thập phương lại tìm về đây du xuân, cầu may mắn.

Nơi đây không chỉ sở hữu phong cảnh đẹp mà còn linh thiêng trong tín ngưỡng.

Anh Lê Văn Quảng (du khách đến từ TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng cùng gia đình về đây để du xuân, xin nước thánh. Từ sáng tới giờ, tôi chen mãi mới vào được đến đây để lấy ít nước về rửa mặt, tắm rửa cho con, cầu mong một năm mới tràn đầy may mắn, sức khỏe dồi dào”.

Sau khi hành hương, nhiều người tập trung về nơi có dòng nước từ đỉnh núi Nưa chảy xuống để hứng "nước thánh".

Không chỉ thế, từ trên đỉnh núi Nưa xuất hiện một dòng suối mát trong, quanh năm không bao giờ cạn, chảy thẳng xuống chân núi. Du khách khi đến dâng hương và thưởng ngoạn cảnh chùa thường lấy nước về nhà và xem đây là nước lộc, “nước thánh” để cầu một năm mới sung túc, no đủ, đầy may mắn.

Nhiều du khách trực tiếp hứng nước để rửa mặt luôn cho con lấy may mắn.

Sau khi đi Phủ Na, du khách có thể di chuyển dọc theo tuyến đường để đến núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa, Na Sơn thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Quần thể khu di tích này bao gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”, được quy hoạch với tổng diện tích 100ha. Đỉnh ngàn Nưa có đền Am Tiên là ngọn núi cao nhất trong vùng với độ cao 538m so với mực nước biển. Nơi đây vào mùa hè trời hanh thông, quang đãng, mùa đông thường có mây mù bao phủ tạo cho ngàn Nưa một vẻ đẹp hoang sơ, u tịch và đầy huyền bí.

Tùng Nguyễn

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/thoi-su/dong-nguoi-chen-chan-hung-nuoc-thanh-o-phu-na-18259