Đông Nam Bộ: Giá gỗ cao su tăng, nông dân chịu thiệt hại nặng do thời tiết

Hiện nay, giá gỗ nguyên liệu từ cây cao su đang tăng cao nhưng doanh nghiệp không phải dễ dàng mua được hàng vì, các sản phẩm bằng gỗ cao su được nhiều thị trường nhập khẩu ưa chuộng.

Đồng Nai: Giá gỗ cao su tăng cao

Theo đó, giá cây cao su hiện tại đã tăng so với cùng kỳ năm 2016 khoảng 300 ngàn đồng/cây. Không chỉ gỗ cao su tăng giá mà cả các loại phế phẩm như cành, gốc cây dùng làm củi cũng tăng giá khá mạnh. Thời điểm hiện tại giá củi cao su ở mức 1,1-1,2 triệu đồng/tấn, đã tăng khoảng 400 - 500 ngàn đồng/tấn.

Nguyên nhân khiến giá gỗ cây cao su tăng, theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), từ đầu năm 2017, Trung Quốc chính thức đóng cửa rừng tự nhiên và cấm khai thác, xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguyên liệu, do đó các doanh nghiệp Trung Quốc đã sang các nước khác để thu mua gỗ nguyên liệu, trong đó có Việt Nam.

Việc giá gỗ cao su tăng mạnh đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh đồ gỗ của Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia.

Giá gỗ nguyên liệu từ cây cao su đang tăng cao tác động không nhỏ tới nhiều ngành nghề sản xuất

Giá thịt gà xuống thấp

Những hộ nông dân nuôi gà cho thời điểm cuối năm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tỏ ra không mặn mà với việc chăn nuôi khi giá gà thịt xuống thấp nhưng giá giống gà lại tăng cao cùng với áp lực phải cạnh tranh với các loại mặt hàng khác trên thị trường. Theo đó, thời điểm hiện tại giá gà bán ra dao động mức 50 – 55 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, gà giống vẫn sốt giá, do các công ty lớn cung cấp đã tăng gần 10 ngàn đồng/con cùng với đó là áp lực về thị trường cạnh tranh khi giá thịt heo đang giảm thấp, giá gà nhập cũng đang xuống giá điều này đã tác động đến sức mua.

Bình Dương: Kiểm soát việc tiêm thuốc an thần cho heo

Theo đó, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ đang có diễn biến phức tạp, hình thức hoạt động tinh vi, vi phạm trên quy mô lớn, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của cán bộ thú y.

Trước tình hình trên, nhằm chủ động ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để hành vi sử dụng chất cấm, bơm nước, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản và các đơn vị có liên quan triển khai tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, đảm bảo ghi chép đầy đủ thông tin trên trên giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển hoặc giấy tờ khác có liên quan làm cơ sở cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ thú y trong công tác kiểm tra gia súc nhập lò và kiểm tra lâm sàng trước giết mổ, kiểm soát giết mổ. Quản lý chặt hoạt động buôn bán thuốc thú y, yêu cầu chủ cửa hàng lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc thú y, đặc biệt ghi rõ thông tin người mua các loại thuốc an thần, kịp thời thông báo cơ quan thú y các trường hợp mua các loại thuốc an thần thương xuyên hoặc mua số lượng nhiều.

Bình Dương tiến hành kiểm soát chặt các cơ sở giết mổ heo để hạn chế việc tiêm thuốc an thần cho heo

Bình Phước: Hơn 1.200ha trồng tiêu bị sâu bệnh gây hại

Thời điểm từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp do đó tình trạng sâu bệnh trên cây trồng tăng cao. Theo thông báo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, lúa vụ hè thu toàn tỉnh bị bệnh rầy nâu gây hại ở mức hơn 28ha. Sâu bệnh gây hại trên cây tiêu chủ yếu là tuyến trùng hơn 1.200ha. Trong đó những nơi bị thiệt hại nặng nề như thị xã Bình Long là 552 a, huyện Lộc Ninh hơn 144ha.

Cùng với đó, cây cà phê cũng bị rệp sáp, rỉ sắt, khô cành, mọt đục cành gây hại phổ biến từ nhẹ đến trung bình. Bệnh rệp sáp cũng gây hại hơn 300ha. Đặc biệt, đa số vườn điều trên địa bàn tỉnh đều bị sâu bệnh gây hại như bệnh cháy lá khô cành, bọt xít muỗi, bệnh thán thư, trong đó tập trung nhiều ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập.

Hơn 1.200 ha tiêu tại tỉnh Bình Phước bị sâu bệnh gây hại

Tây Ninh: Phục hồi 2 giống lúa mùa đặc sản

Theo đó, ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Trường đại học Cần Thơ triển khai dự án tuyển chọn, nhân giống lúa mùa đặc sản nhằm phục hồi các giống lúa đặc sản và tạo giống lúa mới thích nghi cho tỉnh. Cụ thể, hai giống lúa mùa đặc sản của tỉnh sẽ được phục hồi là giống Huyết Rồng và Khao Dawk Mali.

Thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các hộ nông dân chỉ còn canh tác một vài giống như Xương Gà, Huyết Rồng, Khao Dawk Mali, Soi Miên nhưng với diện tích nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, chỉ đủ để phục vụ trong gia đình. Trong đó, 2 giống Huyết Rồng, Khao Dawk Mali được thị trường ưa chuộng hơn các giống khác nhờ vào các đặc tính riêng biệt và cho giống gạo thơm ngon và giá trị kinh tế từ 2 giống lúa này cao hơn nhiều so với các giống khác.

Hiện việc phục hồi 2 giống lúa đang trong giai đoạn thử nghiệm, nếu thành công sẽ nhân rộng giống lúa với dự kiến cho thu hoạch 5 – 6 tấn/1ha. Được biết, nếu phục hồi được 2 giống lúa này thành công sẽ có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa mùa cho nông dân qua đó nâng cao giá trị kinh tế cho cây lúa truyền thống.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Mưa lớn khiến người nuôi cá lóc chịu thiệt hại lớn

Trong tuần qua, khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn có những cơn mưa lớn. Mưa lớn đã làm vỡ bờ bao ao nuôi cá lóc của nhiều 4 hộ dân tại huyện Tân Thành, ước tính thiệt hại hơn 80 tấn cá lóc bị trôi. Cụ thể, theo thống kê của Ban Nông nghiệp xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành), tính hết ngày 3/10, trên địa bàn xã có hơn 2ha ao nuôi cá lóc bị vỡ bờ bao, tổng thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.

Lại Hùng (tổng hợp)

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dong-nam-bo-gia-go-cao-su-tang-nong-dan-chiu-thiet-hai-nang-do-thoi-tiet-post9595.html