Đông Nam Á vượt qua Trung Quốc trong thu hút vốn và nhân lực Nhật

Số lượng người Nhật đang làm việc tại Đông Nam Á hiện cao hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, trong đó bao gồm cả Bắc Mỹ và châu Âu.

Ảnh: Reuters

Đông Nam Á đã trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài. Giờ đây, doanh nghiệp Nhật gửi nhiều vốn và nhân lực đến Đông Nam Á hơn so với Trung Quốc với hy vọng sẽ tận dụng được tiềm năng kinh tế của khu vực này, theo tin từ Nikkei.

Trong năm 2017, số lượng nhân viên người Nhật làm việc tại các văn phòng ở khu vực Đông Nam Á đạt mức 83 nghìn, tăng 32% so với năm 2012, Bộ Ngoại giao Nhật công bố. Ngược lại, trong cùng khoảng thời gian trên, số lượng nhân viên người Trung Quốc giảm 16% xuống 70 nghìn.

Số lượng người Nhật đang làm việc tại Đông Nam Á hiện cao hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, trong đó bao gồm cả Bắc Mỹ và châu Âu.

Doanh nghiệp Nhật bắt đầu giảm nhân lực tại Trung Quốc từ 6 năm trước, khi đó các cuộc biểu tình chống Nhật bùng lên khắp Trung Quốc do những bất đồng giữa chính phủ 2 nước liên quan đến vấn đề lãnh thổ.

Ngoài ra, mức lương người lao động tại Trung Quốc đang tăng lên, sự cạnh tranh ngày một lớn dần từ các công ty địa phương cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp Nhật buộc phải thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc.

Trong tháng 9/2018, Suzuki Motor quyết định ngừng sản xuất tại Trung Quốc bởi lý do doanh số bán hàng chậm lại. Nikon đóng cửa nhà máy sản xuất máy ảnh tại Trung Quốc vào năm ngoái. Còn Honey Holdings, công ty bán quần áo phụ nữ tại gần 600 cửa hàng ở Trung Quốc vào năm ngoái, hiện đang rút dần khỏi ngành bán lẻ Trung Quốc khi mà sự cạnh tranh từ các đối thủ bán hàng trực tuyến tăng lên.

Trong khi đó, điều ngược lại đang diễn ra tại Đông Nam Á. Trong năm 2017, chỉ riêng Thái Lan đã có 33 nghìn người Nhật đang làm việc, mức tăng đến 33% so với năm 2012. Số lượng người Nhật làm việc tại Singapore tăng 28% lên 13 nghìn. Nhiều công ty Nhật đang thành lập cả trụ sở chuyên trách hoạt động nước ngoài ở Đông Nam Á, ví như liên doanh của công ty vận tải đường biển Nippon Yusen, Mitsui O.S.K. Lines và Kawasaki Kisen Kaisha ở Sinagpore.

Khi mà căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng cao, nhiều doanh nghiệp Nhật đồng thời đang chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á nhằm tránh thuế cao. Panasonic đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Thái Lan và một số nước khác thay cho Trung Quốc.

Khi mà mức lương lao động tại Thái Lan và Malaysia tăng lên, những ngành thâm dụng lao động đang chuyển sang nhiều nước Đông Nam Á khác. Dòng vốn đầu tư vào Myanmar tăng lên nhờ nỗ lực mở cửa nền kinh tế của nước này, số lượng người Nhật làm việc tại Myanmar đã tăng 7 lần trong 5 năm.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/dong-nam-a-vuot-qua-trung-quoc-trong-thu-hut-von-va-nhan-luc-nhat-3478217.html