Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật

Ngày 13-10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (ảnh) đã chính thức xác nhận ông sẽ tiến hành chuyến công du tới Việt Nam và Indonesia. Dự kiến chuyến thăm sẽ diễn ra từ ngày 18-21/10 và là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga sau khi ông nhậm chức vào ngày 16-9 vừa qua.

Ảnh: SCMP

Ảnh: SCMP

Tân Thủ tướng Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì khu vực này có vị trí trung tâm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực mà Tokyo muốn thúc đẩy thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản hy vọng thế giới biết rằng nước này mong muốn đóng vai trò lãnh đạo trong việc duy trì hòa bình và góp phần tạo dựng phồn vinh tại khu vực.

Trả lời báo giới về chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Suga, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đánh giá chuyến thăm lần này tới Việt Nam và Indonesia có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông Motegi cho hay xác định hợp tác quốc tế là rất cần thiết, Tokyo mong muốn nhận được sự ủng hộ của nhiều nước đối với tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việc lãnh đạo Nhật Bản có thể trao đổi thẳng thắn các vấn đề với Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN - và Indonesia - nước lớn trong ASEAN - về các vấn đề khu vực, quốc tế cũng như tình hình sau dịch COVID-19 có ý nghĩa sâu sắc.

Trước đây, ông Shinzo Abe, người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga, cũng đã chọn Việt Nam và Indonesia là những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 12-2012.

Kế hoạch thăm Việt Nam và Indonesia được cân nhắc trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước thành viên ASEAN. Hiện quan hệ giữa Mỹ - đồng minh chủ chốt về an ninh của Nhật Bản - và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản - đang gia tăng căng thẳng trong các lĩnh vực thương mại, an ninh và một số vấn đề khác.

Lâu nay, quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản giữ vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong cuộc họp báo hôm 16-9, Thủ tướng Suga tuyên bố theo đuổi lập trường ngoại giao “dựa trên liên minh Mỹ - Nhật”. Quan ngại trước hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cả Tokyo và Washington đều thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hành động của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế như rút quân khỏi Afghanistan, Đức cùng nhiều khu vực chiến lược khác làm dấy lên hoài nghi về độ tin cậy của nước này. Tuy Mỹ sẽ không nhanh chóng chấm dứt sự hiện diện ở Thái Bình Dương do có nhiều lợi ích chiến lược ở đây nhưng Washington có thể thắt chặt chi tiêu, khiến Tokyo xem xét lại chiến lược an ninh, không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ về vấn đề quốc phòng.

Đến nay, Nhật Bản đã có những bước tiến lớn trong việc trở thành một trong những quốc gia được các nước Đông Nam Á ủng hộ nhiều nhất. Sự hỗ trợ về tài chính to lớn của Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 và vai trò gìn giữ hòa bình trong các cuộc xung đột khu vực đã giúp Nhật Bản có được sự tin cậy cao tại các nước Đông Nam Á. Ước tính, đầu tư của Nhật Bản vào khu vực hiện lên tới 367 tỉ USD, so với mức khoảng 255 tỉ USD của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh Nhật Bản muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc và chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nước này, Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến sinh lợi nhất. Parag Khanna, nhà sáng lập Công ty cố vấn chiến lược FutureMap, nhận định rằng các nước Đông Nam Á có những lợi thế về kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, GDP của Việt Nam và Indonesia được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 6,8% và 5% trong năm 2021, trong khi tăng trưởng chung cả khu vực dự kiến là 4,7%.

Nhật, Úc khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn nguồn Hãng tin Jiji Press cho biết Nhật Bản và Úc nhất trí rằng việc duy trì hàng hải tự do và mở trên cơ sở thượng tôn pháp luật là rất quan trọng.

Theo nguồn tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Úc Linda Reynolds đã có cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 12-10, hai bên khẳng định lập trường trên khi trao đổi quan điểm về tình hình gần đây trong khu vực. Hai bên cũng phản đối mạnh mẽ bất cứ ý đồ nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng sự cưỡng ép và bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, VOA News)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dong-nam-a-trong-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-nhat-a126342.html