Đông Nam Á- đấu trường của các ông lớn thương mại điện tử

Alibaba rót thêm 2 tỷ USD vào nhà bán lẻ trực tuyến Đông Nam Á Lazada ngay sau thông tin có sự xuất hiện của ông lớn bán lẻ thương mại điện tử Amazon. Cuộc chiến tranh giành thị phần thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á đã bắt đầu diễn ra.

Đông Nam Á đấu trường của các ông lớn thương mại điện tử

Theo dự báo của giới chuyên gia, nền kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025, chủ yếu là do tăng trưởng TMĐT.

Đông Nam Á là thị trường tiềm năng

Thị trường TMĐT ở khu vực Đông Nam Á đang cho thấy những dấu hiệu vô cùng khả quan. Theo báo cáo thị trường TMĐT Đông Nam Á của iPrice, 2017 là một năm quan trọng của ngành TMĐT tại thị trường Đông Nam Á, với tổng giá trị giao dịch lần đầu vượt qua 10 tỷ USD, vượt xa con số 5,5 tỷ USD vào năm 2015. Lãi gộp hàng năm (CAGR) vượt trên 41% chỉ trong vòng vài năm trở lại đây theo báo cáo Google-Temasek’s eConomy SEA Spotlight 2017 report.

Đáng chú ý, lượt truy cập các trang TMĐT từ các thiết bị di động đã tăng trưởng trung bình lên đến 19% chiếm đến 72% trên tổng lượt truy cập của các trang TMĐT.

Trong đó, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng ấn tượng nhất đạt 26%, Philippines tuy thấp nhất nhưng vẫn cán mức 15%. Lượt truy cập từ thiết bị di động đóng góp phần lớn vào doanh thu của các doanh nghiệp TMĐT.

Mặc dù khi so sánh với các quốc gia Đông Nam Á khác, tỷ lệ người dùng internet mua sắm trực tuyến của Việt Nam không cao bằng, nhưng năm vừa qua là năm Việt Nam có mức tăng trưởng bùng nổ. Cũng theo một báo cáo của Wearesocial về Internet năm 2017, Việt Nam là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á có tăng trưởng tỷ lệ người sử dụng di động cao nhất (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Một trong những dữ liệu quan trọng nhất với một doanh nghiệp TMĐT chính là tỷ lệ chuyển đổi. Nói một cách đơn giản hơn, đó chính là số phần trăm của số lượt truy cập website có thể dẫn đến bước mua sắm thành công. Và theo nghiên cứu của iPrice, Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn hẳn so với mức trung bình của khu vực (gấp 1,3 lần mức trung bình). Các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi lên đến 65%, cao nhất trong khu vực. Singapore sở hữu tỷ lệ chuyển đổi cao thứ hai, Indonesia bám sát ở vị trí thứ 3.

Cuộc đua của các “ông lớn”

Tính từ thời điểm đầu tư vào Lazada, Alibaba, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc đã rót 1 tỷ USD nhằm nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại Lazada. Trước đó, vào tháng 4/2016, Alibaba đã mua 51% cổ phần của Lazada với giá 1 tỷ USD, đẩy tổng mức đầu tư của họ vào thị trường Đông Nam Á lên hơn 2 tỷ USD. Mục đính chính là giúp tập đoàn này mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn khu vực Đông Nam Á.

Lazada hiện đang có hoạt động tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Không chỉ dừng lại ở việc rót vốn đầu tư, Alibaba còn thay thế vị trí CEO Lazada, để Max Bittner rời khỏi vị trí CEO và thay thế bằng Lucy Peng, bà Lucy Peng chính là một trong những người sáng lập Alibaba. Có mặt từ những ngày đầu thành lập Alibaba cho đến nay, bà được coi là một trong những lãnh đạo hàng đầu của Tập đoàn này, với việc điều một trong những "tướng lĩnh" hàng đầu về khu vực Đông Nam Á, đã cho thấy rõ hướng bước chuyển mình đầu tư của Alibaba vào thị trường này.

Trong khi đó, năm ngoái Amazon cũng đã bước vào thị trường Đông Nam Á lần đầu tiên bằng cách tung ra dịch vụ chuyển phát nhanh cùng ngày Prime Now tại Singapore. Và mới đây, Amazon đã bắt đầu những bước đi đầu tiên tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo ông Gijae Seong, Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Amazon tại Singapore cho biết, Amazon đang xây dựng đội ngũ để phát triển hoạt động ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ giúp các tổ chức, cá nhân bán lẻ tại Việt Nam có thể tiếp cận với khách hàng toàn cầu. Ông nhấn mạnh các nhà sản xuất có thể xuất khẩu tại chỗ nhiều mặt hàng ngay thông qua Amazon mà không cần nhà kho hay hàng hóa tại Mỹ và các nước trên thế giới.

Vị này cũng đánh giá, thị trường bán lẻ toàn cầu đang có xu hướng chuyển sang TMĐT. Năm 2016, doanh thu TMĐT đạt 2.000 tỷ USD, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi con số này.

Cuộc chiến TMĐT tại Việt Nam đang cho thấy một bức tranh cạnh tranh cũng không hề kém cạnh, theo ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Phát triển sản phẩm khu vực châu Á công ty OPENWAY: “Sau khi Alibaba mua lại Lazada và tiếp tục triển khai mạng lưới đại lý tại Việt Nam, và mới đây là tập đoàn JD.com rót vốn vào Tiki, Amazon sẽ là ông lớn tiếp theo đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy nhiều tập đoàn quốc tế lớn đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm tới ”

Tuy nhiên, việc các tập đoàn TMĐT lớn với nhiều thế mạnh về công nghệ, tài chính,... ồ ạt nhảy vào thị trường Việt Nam sẽ khiến cho các công ty TMĐT Việt Nam đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dong-nam-a-dau-truong-cua-cac-ong-lon-thuong-mai-dien-tu-126433.html