Đồng Nai tăng nhanh giải ngân vốn đầu tư FDI

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai tính đến tháng 11/2018 đạt 1,76 tỷ USD, tăng 50% so cùng kỳ năm 2017. Các doanh nghiệp (DN) FDI cũng đang tăng tốc trong giải ngân vốn để sớm đưa các dự án vào hoạt động.

Đồng Nai kiên trì với mục tiêu thu hút FDI vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Vốn FDI cán đích sớm

Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 11 tháng/ 2018 của Đồng Nai với tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đạt 1,76 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017 (1,17 tỷ USD). Trong đó, cấp mới 109 dự án với tổng vốn 945,9 triệu USD; các dự án có vốn đầu tư lớn như: Dự án Công ty KCC của Singapore, vốn 60 triệu USD; Dự án Saitex Fabrics Việt Nam vốn 57 triệu USD... Có 94 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 821,2 triệu USD, trong đó Dự án Bosh Gasoline Systems (Hà Lan) với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 71 triệu USD; Công ty Dược Phẩm OPV (Singapore) vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 47,7 triệu USD...

Lũy kế đến cuối tháng 11/2018 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 1.861 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 33,63 tỷ USD. Trong đó số dự án còn hiệu lực là 1.379 dự án, tổng vốn 28,5 tỷ USD; 482 dự án thu hồi, tổng vốn 5,12 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, 03 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu theo thứ tự là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Các dự án được cấp phép tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung ngành nghề đa dạng, phù hợp định hướng thu hút của địa phương như ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị. Trong đó, tập trung vào công nghiệp phụ trợ với 3 lĩnh vực lớn là công nghiệp cơ khí, điện tử... Kết quả thu hút đầu tư này phù hợp với mục tiêu nâng cao hiệu quả thu hút FDI của tỉnh.

Ông Cao Tiến Sĩ - Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai chia sẻ - các dự án đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ dù không tạo ra nhiều việc làm nhưng công nghệ cũng như thiết bị máy móc phục vụ sản xuất phải bảo đảm tiêu chí tiên tiến, hiện đại, đây cũng là hướng thu hút đầu tư phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tăng nhanh vốn giải ngân

Khoảng 2- 3 năm gần đây, tốc độ giải ngân vốn FDI của Đồng Nai trở nên nhanh hơn. Nguồn vốn chủ yếu được các DN tập trung xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc, dây chuyền mới về để sản xuất. Tính từ đầu năm 2018 đến nay vốn FDI tại Đồng Nai đã giải ngân được trên 1,5 tỷ USD, vượt gần 50% so với kế hoạch năm.

Một số DN FDI giải ngân nguồn vốn khá lớn trong năm 2018 này như Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở KCN Amata với 98 triệu USD; Công ty TNHH Hwaseung Vina ở KCN Nhơn Trạch 1 giải ngân 85 triệu USD để mở rộng sản xuất giày xuất khẩu; Công ty TNHH N.E.W sản xuất thiết bị máy móc, phụ tùng ở KCN Amata, giải ngân vốn thêm 58 triệu USD...

Đánh giá chung từ các nhà đầu tư cho thấy các DN đang tăng tốc trong giải ngân vốn để nhanh chóng đưa các dự án vào hoạt động nhằm nắm bắt lấy cơ hội đưa hàng hóa vào các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do với các ưu đãi thuế cao nhất.

Bên cạnh đó, với chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng DN”, các thủ tục hành chính của DN thực hiện bằng cơ chế "một cửa", “một cửa liên thông”, “một cửa liên thông hiện đại”, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng luôn đồng hành, kịp thời lắng nghe và giải quyết các khó khăn vướng mắc của DN đã làm cho các DN thực yên tâm, hài lòng về môi trường đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh cũng kiên quyết loại bỏ những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thẩm định kỹ dự án trước khi cấp phép để đảm bảo nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-nai-tang-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-fdi-113527.html