Đồng Nai lại do 'vỡ' trận vì đầu lợn tăng chóng mặt do giá lợn tăng

Hiện giá bán lợn đang tạm ổn định ở mức cao nhưng tổng đàn ở Đồng Nai cũng tăng lên gần 2,5 triệu con. Nếu không có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ ổn định, nghề chăn nuôi vẫn chưa hết nỗi lo thừa nguồn cung.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai chia sẻ như thế tại Hội thảo kết nỗi chuỗi sản phẩm thịt lợn VietGahp trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 28.9.

Tổng đàn lợn Đồng Nai vẫn tăng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Vinh, ngành chăn nuôi trong tỉnh đã thể hiện nỗ lực lớn từ sự phối hợp của sở ngành, địa phương tới bà con nông dân. Tình hình chăn nuôi vẫn phát triển với tổng đàn lợn lớn nhất nước; tổng đàn gà chỉ đứng thứ 2 sau Hà Nội.

Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường được đảm bảo tốt hơn. Qua kiểm tra hàng ngàn mẫu vẫn không phát hiện chất cấm trong chăn nuôi. Điều này thể hiện sự chuyển biến mạnh trong nhận thức, người chăn nuôi đã quan tâm nhiều hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Tuy nhiên, nỗi lo với người chăn nuôi lợn thực tế vẫn chưa hết. Đợt khủng hoảng thừa năm 2017, tổng đàn lợn Đồng Nai khoảng 2 triệu con; đàn lợn nái khoảng 290.000 con.

Sau khủng hoảng giá, tổng đàn của cả hiện đã gần 2,5 triệu con; đàn nái khoảng 324.000 con. Tính toán mặt an ninh tiêu thụ kể cả trong, ngoài tỉnh và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, rõ ràng tổng đàn hiện đang có mức thừa lớn.

Ông Huỳnh Thành Vinh đánh giá ngành chăn nuôi vẫn chưa hết khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Các địa phương khác có giảm đàn nhưng Đồng Nai không giảm. Cùng với với lo ngại dịch tả lợn châu Phi đang đe dọa, nếu không có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ tốt, nghề chăn nuôi vẫn chưa hết nỗi lo thừa nguồn cung”, ông Vinh nhận định.

Đại diện Sở NN&PTNT đánh giá, chương trình chăn nuôi lợn VietGahp theo dự ánh cạnh tranh Lifsap mà tỉnh thực hiện thời gian qua cần phải tiếp tục phát huy để duy trì lợi thế cho người chăn nuôi nhỏ, nông hộ.

Theo Ban quản lý dự án Lifsap tỉnh, đến nay Đồng Nai đã thiết lập được 3 vùng Gahp (huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh) với 67 THT, 863 hộ áp dụng. Số THT được chứng nhận VietGahp đến nay là 47 trên tổng số 67 tổ.

Chăn nuôi lợn VietGahp là hướng đi mà tỉnh Đồng Nai lựa chọn ổn định nghề chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc Ban quản lý dự án, chương trình đã góp phần tích cực tác động nâng cao nhận thức, kỹ năng chăn nuôi. Việc thực hiện mô hình VietGahp còn giúp người chăn nuôi nhỏ biết phân tích hiệu quả thu nhập thực tế trong chăn nuôi.

Tạo mối liên kết cung cấp các sản phẩm thịt đảm bảo ATVSTP từ trang trại đến bàn ăn. Các sản phẩm VietGAHP được kết nối trong chuỗi cung cấp ổn định cho các chợ, siêu thị. Giá công ty thường thu mua ổn định theo công bố của công ty chăn nuôi C.P chứ không thấp hơn để đảm bảo cạnh tranh cho người nuôi lợn sạch.

Do sản lượng tiêu thụ của các chuỗi còn ít nên vẫn chưa tiêu thụ hết sản phẩm của bà con chăn nuôi. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình đem lại hiệu quả đáng mừng, nhiều hộ trong THT vẫn duy trì được nghề chăn nuôi trong khi nhiều hộ, trại khác phải phá sản.

Lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm lợn VietGahp trên địa bàn tỉnh Đông Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Việc tham gia được vào các chuỗi kết nối đã khẳng định phần nào giá trị, chất lượng của sản phẩm VietGahp so với sản phẩm thông thường. Người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm sạch và ATVSTP cho gia đình”, bà Hoài nhấn mạnh

Theo dự kiến, dự án Lifsap sẽ kết thúc vào giữa năm 2019. Ông Huỳnh Thành Vinh đề nghị, dù dự án còn hay không còn, các sở ngành và người chăn nuôi trong tỉnh vẫn tiếp tục cố gắng duy trì chương trình VietGahp để cung cấp sản phẩm an toàn cho xã hội.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/dong-nai-lai-do-vo-tran-vi-dau-lon-tang-chong-mat-do-gia-lon-tang-916785.html