Đồng Nai ghi nhận gần 3.000 ca mắc sởi, Sở Y tế ra văn bản hỏa tốc
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh sởi.
Số ca bệnh tăng mạnh
Ngày 30/11, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, từ 22/11 đến 29/11, tỉnh ghi nhận số ca mắc sởi tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ đầu năm với 566 ca, tăng 78 ca so với tuần trước.
Trong đó, Tp.Biên Hòa ghi nhận số ca mắc nhiều nhất trong tuần với 225 ca, huyện Trảng Bom có 113 ca, huyện Cẩm Mỹ ghi nhận số ca thấp nhất trong tuần, với 4 ca.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận tổng cộng 2.947 ca mắc sởi và 2 ca tử vong do bệnh này. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca mắc sởi và không có ca tử vong.
Ngày 30/11, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số lượng bệnh nhân đến cấp cứu, khám bệnh tại Khoa Cấp cứu đang tăng nhanh.
Nhiều bệnh nhân, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, được đưa đến với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều và khó thở. Một số trường hợp phải sử dụng thiết bị trợ thở sau khi được bác sĩ thăm khám.
Trao đổi với PV, ThS.BSCK2 Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, lượng bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện trong tuần này tăng rõ rệt so với tuần trước. Bệnh viện phải khẩn trương sắp xếp và bố trí những trường hợp sởi nặng để điều trị.
Trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế về phòng chống bệnh sởi.
Các cơ sở y tế phải tổ chức phân luồng bệnh nhân ngay từ khi đăng ký khám bệnh, đồng thời bố trí khu khám riêng cho các bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Các cơ sở y tế sẵn sàng các khu vực cách ly, buồng bệnh riêng biệt, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để xử lý kịp thời khi có ca bệnh.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân theo quy định, nhằm hạn chế sự lây lan và giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khẩn trương tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trước ngày 6/12.
Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị bệnh sởi ở trẻ em cho các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh.
Bệnh sởi không ngoại trừ người lớn
Bác sĩ Đoàn Quốc Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, từ cuối tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5-10 người đến khám sởi.
Tính đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 ca bệnh sởi, chủ yếu trong độ tuổi từ 20-40. Vì số lượng bệnh nhân đông, khoa phải kê thêm giường ở ngoài hành lang để tiếp nhận điều trị.
Trong số đó, khoảng 10 ca phải hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy, 2 ca cần sử dụng máy thở HFNC và 1 ca bị suy đa cơ quan phải thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục.
Do bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh, khoa đã triển khai các biện pháp cách ly khu vực điều trị bệnh nhân sởi để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho các bệnh nhân khác.
Theo bác sĩ Duy, bệnh sởi ở người lớn có các triệu chứng tương tự như ở trẻ em nhưng thường dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác.
Người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, tăng tiết dịch đường hô hấp, viêm kết mạc mắt. Trong giai đoạn khởi phát, bệnh nhân có thể xuất hiện các hạt trắng trong miệng.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm ngừa sởi.
Bên cạnh việc tiêm đầy đủ vắc-xin sởi, người dân cũng cần thực hiện thêm các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, tăng cường vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên, vệ sinh thân thể, mũi, họng và mắt hằng ngày), giữ ấm cơ thể và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện nay bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol và bổ sung nước, điện giải qua đường uống.
Bên cạnh đó, người thân cần áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát. Vệ sinh da, mắt và mũi bằng dung dịch Chloromycetin hoặc Argyrol.
Nếu trong quá trình điều trị có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, người thân cần thông báo ngay cho bác sĩ để được cấp cứu kịp thời.