Đồng Nai: Đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội

Được xem là cửa ngõ của các tỉnh miền Nam, và nằm ngay bên cạnh trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP.HCM, những năm qua tỉnh Đồng Nai đã không ngừng tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng kết nối, tạo động lực cho sự phối hợp, liên kết vùng.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông - vận tải, tỉnh Đồng Nai có một hệ thống hạ tầng giao thông khá toàn diện gồm: đường sắt, đường bộ, đường thủy. Cả tỉnh có 6 tuyến quốc lộ, đường cao tốc đã đưa vào sử dụng với chiều dài gần 300km và 24 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài khoảng 500km. Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Đồng Nai dài 87,5km với 8 ga.

Cảng Đồng Nai, cửa ngõ giao thương quốc tế.

Cảng Đồng Nai, cửa ngõ giao thương quốc tế.

Động lực phát triển là cơ sở hạ tầng

Hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 2642km với cảng Long Bình, Gò Dầu, Cát Lái… phục vụ vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, các tuyến đường đã được nâng cấp và vào sử dụng như quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các dự án công trình trọng điểm khác như cầu Hóa An, cầu Đồng Nai, nút giao Vũng Tàu, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp… đã khiến cho bộ mặt hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai thay đổi nhanh chóng.

Đầu tư cho hạ tầng giao thông là cơ sở để Đồng Nai liên kết vùng và hướng ra quốc tế.

Hiện nay, một loạt các dự án đường cao tốc đang được thực hiện và chuẩn bị đầu tư đồng bộ như: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Tuyến đường Tân Vạn - Nhơn Trạch và Dầu Giây - Liên Khương… Đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh và khu vực đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng phát huy những tiềm năng, về dân số, thuận lợi về vị trí và địa chất, cùng với đó là nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, toàn tỉnh tích cực cải cách hành chính và luôn lắng nghe, đồng hành cùng với các doanh nghiệp đã giúp Đồng Nai đạt kết quả cao trong việc thu hút đầu tư.

Dự kiến trong năm 2020 và định hướng 2030, mục tiêu của cả tỉnh Đồng Nai là xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn đồng bộ kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cần tăng tốc cho đầu tư liên kết

Thực tế, việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong những năm qua được đánh giá là điểm nghẽn trong phát triển nên tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương các tỉnh phía Nam đều kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thực hiện sớm các dự án hạ tầng đã có quy hoạch.

Ngoài việc tăng tốc đầu tư các dự án liên kết vùng, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng cần phải có quy hoạch vùng một cách bài bản, đồng bộ để các địa phương thuận lợi trong việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Cần quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc như : Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… Song song với giao thông, Đồng Nai cũng đã chủ động dự trù nguồn đất để xây dựng mới các khu công nghiệp, đón đầu dịch chuyển đầu tư trong những năm tiếp theo.

Cho nên, việc cấp thiết hiện nay là hoàn thiện thể chế liên kết vùng, Chính phủ cần phải có giải pháp xây dựng cơ chế đặc thù cho các tỉnh miền Nam, làm nền tảng cho sự phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế chung cho những năm tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-nai-day-manh-tang-cuong-lien-ket-vung-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-125528.html