Đồng Nai đẩy mạnh phòng chống dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp nên ngành y tế khuyến cáo người dân phải vệ sinh sạch sẽ nơi ở, không chủ quan khi có biểu hiện sốt,… Cần đến các cơ quan y tế để được thăm khám điều trị nếu có các triệu chứng.

Cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tránh để môi trường ô nhiễm, cống rãnh, chum nước tù đọng khiến muỗi sinh sôi nảy nở

Cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tránh để môi trường ô nhiễm, cống rãnh, chum nước tù đọng khiến muỗi sinh sôi nảy nở

Theo báo cáo Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 6.100 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, truyền dịch cao phân tử. Tuy nhiên may mắn không nghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan đến sốt xuất huyết. Các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng chứa nước, tạo thành nơi muỗi đẻ trứng. Do đó cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tránh để môi trường ô nhiễm, cống rãnh, chum nước tù đọng khiến muỗi sinh sôi nảy nở.

Cụ thể nhiều tháng qua số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng do mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ 5-10 trường hợp sốt xuất huyết người lớn. Trong đó có nhiều trường hợp đã rơi vào tình trạng sốc, phải truyền từ 4-6 đơn vị máu, điều trị tích cực.

Nhiều bệnh nhân do chủ quan nên nằm nhà chịu bệnh đồng thời cũng lo sợ dịch Covid-19 nên hạn chế đến bệnh viện mà chỉ đến các nhà thuốc mua thuốc điều trị tại nhà. Đến khi bệnh trở nặng mới đến bệnh viện thì bệnh đã đến mức nguy hiểm.

Có những bệnh nhân bệnh đã trở nặng, sốt ngày thứ 4, thứ 5, đến khám tại bệnh viện nhưng không chịu nhập viện, bác sĩ phải khuyên, thậm chí năn nỉ bệnh nhân nhập viện để điều trị nhằm đảm bảo an toàn tính mạng thì bệnh nhân mới chịu nhập viện.

Tại Nhơn Trạch, một địa phương nóng về dịch sốt xuất huyết thì nhiều năm qua vẫn liên tục ra sức phòng chống dịch. Năm nay nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh ở người trên địa bàn huyện Nhơn Trạch trong 6 tháng cuối năm 2020, huyện Nhơn Trạch đã tăng cường nhiều biện pháp để giảm số ca nhiễm bệnh, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các xã trên địa bàn huyện liêntục.

Từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyên vẫn còn diễn biến khó lường, ghi nhận đã có rất nhiều ổ dịch. Các nơi mắc bệnh nhiều là thị trấn Hiệp Phước và các xã Phước Thiền, Long Thọ và Long Tân.

Hơn nữa mật độ nhà ở và người dân sinh sống, làm việc tại các xã, thị trấn gần khu công nghiệp khá cao, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và dễ lây truyền bệnh sốt xuất huyết từ người mang mầm bệnh sang người lành.

Mặt khác, do ý thức của người dân còn chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, đây là những nguy cơ tìm ẩn gây ra dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện trong 6 tháng cuối năm 2020.

Để kịp thời phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch lan rộng tại cộng đồng. UBND huyện yêu cầu các cơ quan, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống sốt xuất huyết như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, thu gom và xử lý các phế liệu, phế thải, các dụng cụ chứa nước.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, địa bàn dân cư. Chú trọng đến công tác diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch và các điểm có nguy cơ xảy ra dịch một cách hiệu quả. Khoanh vùng xử lý các ổ dịch, các điểm nguy cơ một cách phù hợp, bảo đảm dập tắt dịch và không để lan rộng.

Triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và chiến dịch diệt lăng quăng toàn huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Tăng cường hoạt động truyền thông phòng chống SXH bằng nhiều hình thức như kết hợp lồng ghép trong các buổi họp dân; tổ chức truyền thông trong trường học; phát thông điệp, bài tuyên truyền phòng chống SXH trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, các xã, thị trấn; treo băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát tờ rơi…

Hải Sơn – Song Phương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dong-nai-day-manh-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-d143766.html