Đồng Nai có nhiều lợi thế nuôi bò công nghiệp

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn do chậm hồi phục sau dịch tả heo châu Phi, còn nuôi gà lại gặp khủng hoảng về thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc lại tăng trưởng tốt hơn hẳn mọi năm.

Trại nuôi bò công nghiệp của nông dân tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc). Ảnh: L.Quyên

Trại nuôi bò công nghiệp của nông dân tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc). Ảnh: L.Quyên

Trong đó, một số địa phương đang chuyển dần từ nuôi bò chăn thả quy mô nhỏ lẻ sang nuôi bò công nghiệp, bán công nghiệp theo chuỗi liên kết khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi; góp phần tăng giá trị kinh tế cho các thành phần tham gia chuỗi.

* Phát triển chăn nuôi công nghiệp

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, hiện tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh đạt hơn 87 ngàn con, tăng hàng ngàn con so với hồi đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt bò cung cấp ra thị trường trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 ngàn tấn, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi heo, gà, chăn nuôi đại gia súc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngành Chăn nuôi nhưng phát triển chăn nuôi bò đang được nhiều địa phương khuyến khích nhân rộng.

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc cho biết, tổng đàn bò nuôi trên địa bàn huyện đạt gần 18,7 ngàn con, tăng hàng trăm con so với cùng kỳ năm ngoái. Địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi bò, nhất là sau khi dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng nặng nề đến chăn nuôi heo và hiện nông dân vẫn khó tái đàn do rủi ro tái phát dịch còn cao.

Cũng theo bà Hiệp, H.Xuân Lộc có lợi thế phát triển tổng đàn bò vì nhiều vùng đất đai cằn cỗi, khó khăn về nguồn nước sản xuất, nuôi đại gia súc cho hiệu quả kinh tế tốt hơn so với phát triển trồng trọt. Thị trường tiêu thụ của thịt bò lại khá ổn định, tình hình dịch bệnh cũng không phức tạp như chăn nuôi heo, gà nên một số nông dân nuôi heo bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện đã chuyển sang nuôi bò. Trong đó, nhiều nông dân nuôi bò thả đồng đã bỏ vốn lớn đầu tư chuồng trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp tận dụng nguồn phế thải từ trồng trọt sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Bà Hoàng Thị Sâm, chủ trại nuôi bò vỗ béo tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) chia sẻ, nuôi bò thịt theo kiểu chăn thả gặp khó khăn do không cạnh tranh được với bò ngoại nhập nên gia đình bà đã chuyển đổi sang nuôi bò trong chuồng trại công nghiệp; đầu tư máy móc, dụng cụ tự sản xuất thức ăn cho bò để giảm chi phí đầu vào. Bà Sâm so sánh, hơn 3ha đất sản xuất của gia đình trước đây chỉ trồng được 2 vụ bắp/năm cho thu nhập rất thấp. Khi gia đình bà đầu tư trang trại nuôi bò công nghiệp, tự trồng cỏ, trồng bắp làm thức ăn nuôi bò; nguồn phân thải ra từ chăn nuôi lại đưa ngược ra đồng để cây trồng cho năng suất tốt. Nhờ quy trình khép kín này, nuôi bò vỗ béo bán thịt cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với cách nuôi chăn thả truyền thống, người nuôi cũng kiểm soát được rủi ro về dịch bệnh.

* Khai thác lợi thế riêng

Tuy tăng trưởng tốt nhưng đây cũng là năm có nhiều khó khăn với doanh nghiệp đầu tư các trang trại lớn chăn nuôi bò theo quy mô công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ngôn, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Đồng Phát, xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) cho biết, năm nay, các trang trại nhập khẩu bò Úc nguyên con về nuôi vỗ béo gặp khó khăn rất lớn vì giá bò nhập tăng thêm khoảng 60% so với mọi năm. Chi phí đầu vào tăng do giá bò nhập tăng cao trong khi thị trường lại đang chịu cạnh tranh rất lớn vì thịt bò đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam. Khó khăn nhất với người chăn nuôi trong nước là thị trường thịt nhập khẩu này đang mập mờ về chất lượng, giá cả. Thịt bò rẻ, chất lượng chưa được kiểm soát đang len lỏi khắp nơi từ các kênh bán lẻ, vào bếp ăn công nghiệp đến các kênh siêu thị, nhà hàng cao cấp.

Chăn nuôi bò nội địa gặp áp lực cạnh tranh lớn với thịt bò ngoại nhập nhưng nhiều doanh nghiệp, chủ trại chăn nuôi vẫn mạnh dạn đầu tư tăng đàn vì chăn nuôi bò vẫn giàu tiềm năng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Ngôn cho biết thêm, doanh nghiệp vừa nhập khẩu thêm 13 ngàn con bò Úc về nuôi vỗ béo để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường vào những tháng cuối năm. Theo ông Ngôn, Đồng Nai có lợi thế rất lớn để phát triển nuôi bò công nghiệp theo quy mô lớn vì điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho vật nuôi này phát triển; có thị trường tiêu thụ tại chỗ lớn nhất nước là Đồng Nai và TP.HCM. Địa phương lại có những vùng chuyên canh trồng bắp, trồng mì lớn nên dồi dào nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi...

“Để cạnh tranh được với thịt bò đông lạnh nhập khẩu giá rẻ, doanh nghiệp phải tính bài toán đầu tư dài hơi, bài bản hơn. Thay vì nhập bò trọng lượng lớn về nuôi vỗ béo trong thời gian ngắn rồi xuất bán, hiện doanh nghiệp nhập khẩu nhiều lứa bò, kéo dài thời gian nuôi, xây dựng quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến giết mổ để hạ giá thành sản phẩm”, - ông Ngân cho biết.

Huyện Cẩm Mỹ là địa phương có tổng đàn bò lớn với trên 23,5 ngàn con. Địa phương này đang đi đầu về phát triển đàn bò Úc với nhiều trang trại công nghiệp quy mô lớn do doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp theo quy mô trang trại lớn chiếm trên 60% tổng đàn. Huyện cũng đang phát triển mạnh các dự án cánh đồng lớn trồng bắp, xây dựng chuỗi khép kín từ trồng trọt, sản xuất thức ăn đại gia súc, phát triển nuôi bò công nghiệp.

Lê Quyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202011/dong-nai-co-nhieu-loi-the-nuoi-bo-cong-nghiep-3032963/