Đồng Nai chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có ngành công nghiệp phát triển mạnh, hiện 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1.500 dự án.

Cùng với việc tập trung phát triển công nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm tới nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngay tại địa phương, từng bước vươn tới thị trường lao động quốc tế.

Đồng Nai hiện thu hút trên 1,2 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 60% lao động ngoại tỉnh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đồng Nai hiện thu hút trên 1,2 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 60% lao động ngoại tỉnh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Đồng Nai hiện thu hút hơn 1,2 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 60% lao động ngoại tỉnh. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt là những lao động ngoại tỉnh.

Chị Trần Thị Lài, 41 tuổi, ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, những năm trước khi mới chỉ là công nhân trẻ tuổi, kinh nghiệm làm việc chưa có cuộc sống rất khó khăn. Để có tiền chi tiêu trong gia đình chị đã phải lao động cật lực, ngày làm công nhân trong công ty, tối tranh thủ xin việc làm thêm tại các quán nhậu đến 1, 2 giờ sáng hôm sau.

Với những nỗ lực trong làm việc, chị Lài được Công ty hỗ trợ, được học nâng cao tay nghề, trình độ, từ một người công nhân bình thường, chị được làm quản lý phân xưởng với thu nhập cao hơn. Năm 2017, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp công đoàn, gia đình chị Trần Thị Lài đã mua được một căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội cho công nhân ở huyện Nhơn Trạch. Từ đây, chất lượng cuộc sống của gia đình chị được nâng lên rõ rệt, con cái được học hành, được tham gia các hoạt động thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.

Hiện nay, chất lượng cuộc sống của nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang ngày càng được nâng cao, điều này thể hiện rõ ở mức thu nhập bình quân của người lao động. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh dao động từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/tháng, trong khi năm 2015, thu nhập bình quân chỉ đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm và không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống của người lao động cũng được cải thiện qua từng năm, năm sau được cải thiện hơn năm trước.

Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Đồng Nai, để đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân lao động, người lao động trẻ tại các khu công nghiệp, trong thời gian tới, lãnh đạo công ty, các cấp công đoàn cần tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, ổn định và phát triển việc làm, đảm bảo nhu cầu sống về vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình. Cụ thể: Các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động, lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của người lao động; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, đảm bảo việc làm, thu nhập, đáp ứng được những nhu cầu sống tối thiểu để người lao động yên tâm, gắn bó và tập trung phát huy năng lực làm việc. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động học tập, rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.

Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động

Chú trọng công tác đào tạo nghề chất lượng cao thể hiện qua trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là một trong những "bí quyết" giúp Đồng Nai luôn nằm trong nhóm những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trong cả nước.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác và doanh nghiệp tại địa phương. Trung bình mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề, cung cấp ra thị trường lao động khoảng 75.000 người/năm.

Xác định thế mạnh là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, Đồng Nai quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ trước hết cho chính đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có thể tiếp cận nhanh nhất với các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc học nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và phát huy cao nhất lợi thế nguồn lao động dồi dào của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, phụ trách Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tỉnh Đồng Nai, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, Đồng Nai đang thực hiện chương trình đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế. Chương trình đang được thí điểm tại một số trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đạo tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao theo tiêu chuẩn của quốc tế.

Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 đóng tại huyện Long Thành, là một trong những trường nghề được chọn tham gia thực hiện Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với chuẩn chất lượng của khu vực ASEAN và thế giới. Hiện, trường đã có đủ khả năng đào tạo 9 ngành nghề đào tạo đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn của các nước như Đức, Pháp, Anh ở các nghề như: Điện tử công nghiệp, cơ điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, cơ khí xây dựng, lắp đặt thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, công nghệ hàn…

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện theo mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo mô hình này, doanh nghiệp tham gia vào ban tư vấn nghề nghiệp, quá trình đánh giá thi cử, xây dựng điều chỉnh các chương trình, làm sao để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên được học trên các thiết bị thực hành của trường và trên các thiết bị trong các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Từ sự phối hợp này, nhiều sinh viên đã có cơ hội việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều doanh nghiệp được tiếp cận, lựa chọn lao động phù hợp với những vị trí, công việc mà doanh nghiệp đang cần tuyển dụng.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, hiện nay ở tỉnh, sau đào tạo khoảng 85% số lao động có việc làm với thu nhập ổn định, đặc biệt với nguồn nhân lực ở một số nghề như cơ khí, sửa chữa, điện, điện công nghiệp gần như 95 - 100% lao động sau khi đào tạo là có việc làm.

Tỉnh Đồng Nai xác định từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng công nhân lành nghề, được đào tạo có chất lượng cao sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, góp phần cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực với các địa phương khác trong cả nước cũng như thế giới.

Lê Xuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dong-nai-chu-trong-dao-tao-nghe-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-lao-dong-20210121141634889.htm