Đồng Nai chi 10 tỉ đồng để phòng, chống sốt xuất huyết

Thông tin trên được ông Huỳnh Cao Hải - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Bộ Y tế ở địa phương này hôm 18.7.

Ngành y tế tỉnh Đồng Nai tổ chức phun xịt hóa chất để phòng, chống sốt xuất huyết - Ảnh: PV

Ngành y tế tỉnh Đồng Nai tổ chức phun xịt hóa chất để phòng, chống sốt xuất huyết - Ảnh: PV

Theo ông Hải, dù từ đầu năm 2019 đến nay Đồng Nai chưa có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, nhưng nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết ở phương này là rất cao do ý thức cũng như sự hiểu biết của người dân về việc phòng, chống sốt xuất huyết còn hạn chế, nếu không muốn nói là rất kém.

Đặc biệt, khi mùa mưa đến và đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ xuất hiện vào những tháng cuối năm 2019 khiến cho dịch bệnh sốt xuất huyết ở đây diễn biến khó lường.

Do đó, từ đầu năm 2019 đến nay, ngành y tế đã chi đến 10 tỉ đồng để thực hiện công tác truyền thông, vệ sinh môi trường, phun xịt hóa chất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Tuy nhiên ông Hải thừa nhận việc tiếp nhận thông tin về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của người dân ở địa phương còn hạn chế. Điều này có cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Thực tế tại địa phương có một lượng lớn dân lao động nhập cư, sinh sống trong các nhà trọ, ngày đi làm tại công công ty, xí nghiệp, đến tối mới về nên không có điều kiện tiếp cận thông tin cũng như không có thời gian để làm vệ sinh môi trường, xử lý các ổ lăng quăng ở khu vực mình sinh sống.

Điều này được thể hiện qua buổi giám sát thực tế về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số điểm ở TP.Biên Hòa của đoàn công tác Bộ Y tế.

Tại khu vực tổ 27, khu phố 4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), đoàn công tác của Bộ Y tế phát hiện rất nhiều phế liệu, vật dụng chứa nước được quẳng ngổn ngang. Nhiều vật dụng chứa nước chứa đầy lăng quăng trở thành nơi lý tưởng để phát sinh muỗi sốt xuất huyết.

Ngoài ra, tại khu vực này đang có rất nhiều công trình xây dựng dang dở, với những bãi cỏ mọc um tùm và không ít những vũng nước đọng tại đây đã xuất hiện lăng quăng.

Trong khi đó, người dân ở đây ý thức diệt muỗi, lăng quăng cũng rất kém. Kiểm tra tại nhà một hộ dân, đoàn công tác phát hiện một thùng phuy cắt nắp để ngửa chứa đầy nước có lăng quăng; xung quanh nhiều vật dụng phế thải, nhất là những thùng xốp chứa đầy nước có lăng quăng bơi dày kín.

Tại nhà một hộ dân khác được kiểm tra thì phát hiện có một chiếc tủ cũ vứt ngoài vườn, các ngăn tủ chứa đầy nước với cả đàn lăng quăng đua nhau bơi lội khiến các thành viên trong đoàn thị sát phải giật mình.

Tuy nhiên, những người dân ở đây xem đó những là chuyện đương nhiên, không thể nào dẹp bỏ được. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, họ bận công việc không có thời gian dọn dẹp, vệ sinh hay lật úp những dụng cụ chứa nước để tránh phát sinh lăng quăng gây muỗi sốt xuất huyết. Thậm chí, có những hộ dân còn nói rằng, nếu có dọn dẹp, vệ sinh cũng không thể nào làm nổi vì ở đây đất đai rộng lớn, cây cỏ mọc um tùm.

Theo bà Dương Kim Trúc - Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài, hiện nay tại địa phương đã xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Dù trong thời gian qua địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết nhưng sự hưởng ứng của người dân còn rất thấp.

Chính quyền địa phương cũng đã nhắc nhở các hộ dân, các công trình xây dựng, các nơi mua bán phế liệu để xảy ra đọng nước, phát sinh lăng quăng nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. “Sắp tới đây, những nơi nào để phát sinh điểm nguy cơ gây sốt xuất huyết được nhắc nhở nhưng không giải quyết triệt để chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt nghiêm”, bà Trúc nói.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện Trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng ý thức của cộng đồng đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Người dân chỉ cần lật úp các vật chứa không sử dụng đến sẽ hạn chế tối đa môi trường sinh sản, phát triển của muỗi. Việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi cần sự đồng hành của cả cộng đồng, sự giám sát, tuyên truyền từ các cơ quan ban ngành và phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) hiện nay sốt xuất đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương. So với cùng kỳ năm trước, sốt xuất huyết đã tăng gấp 3,2 lần, hơn 1 tháng trở lại đây sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở 34 tỉnh từ miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh thành Nam bộ.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/dong-nai-chi-10-ti-dong-de-phong-chong-sot-xuat-huyet-117402.html