Đồng Nai: Cần hơn 7.000 tỷ đồng làm đường kết nối sân bay Long Thành

Bốn dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng vừa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn khoảng 7.100 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng. Cùng với đó, 2 khu công nghiệp (KCN) Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) và Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành) hiện đang được triển khai đầu tư. Do đó, yêu cầu về kết nối giao thông trong khu vực đòi hỏi phải được thực hiện nhanh để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trên cơ sở đó, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 773; dự án đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và dự án đường tỉnh 770B (đoạn từ giao với đường tỉnh 763 đến quốc lộ 51).

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đảm bảo hiệu quả trong việc đầu tư các dự án cũng như giải quyết những khó khăn về ách tắc giao thông của các địa phương, cùng với đó là khả năng cân đối nguồn vốn, việc khai thác quỹ đất 2 bên đường để tái định cư và bán đấu giá, các sở, ngành và địa phương liên quan đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh xem xét ưu tiên đầu tư đối với 4 dự án nói trên trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đường tỉnh 769 (bên trái) là tuyến đường đóng vai trò giải tỏa áp lực giao thông khi sân bay Long Thành đi vào khai thác cũng như kết nối các khu công nghiệp Dầu Giây, Lộc An - Bình Sơn.

Đường tỉnh 769 (bên trái) là tuyến đường đóng vai trò giải tỏa áp lực giao thông khi sân bay Long Thành đi vào khai thác cũng như kết nối các khu công nghiệp Dầu Giây, Lộc An - Bình Sơn.

Ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc đề xuất ưu tiên đối với 4 dự án giao thông trọng điểm xuất phát từ mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông đường bộ đi trước, đón đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Trong đó, lấy sân bay Long Thành làm trung tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay Long Thành. Đồng thời, phát triển, hình thành các trục giao thông tạo động lực phát triển cho các địa phương, đặc biệt là các huyện còn khó khăn như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ và Thống Nhất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện 4 dự án giao thông trọng điểm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư là khoảng 7.100 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cùng với việc chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn cùng các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trên theo quy định.

Để có nguồn vốn thực hiện các dự án nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND cấp huyện có tuyến đường đi qua xác định vị trí, quy mô, dự kiến điều chỉnh quy hoạch các khu đất lợi thế, tiến độ thực hiện thu hồi, đấu giá và phải thể hiện trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư khi lập hồ sơ.

Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất dọc theo các dự án đi qua địa bàn, khẩn trương điều chỉnh các quy hoạch liên quan để thực hiện đồng thời cùng việc triển khai dự án nhằm tránh tình trạng giá đất tăng cao sau khi dự án hoàn thành, gây khó khăn trong việc thu hồi đấu giá các khu đất lợi thế.

Trên thực tế, để thực hiện 4 dự án nói trên cần một nguồn vốn rất lớn. Bởi nguồn vốn hơn 7.000 tỷ đồng theo tính toán mới chỉ là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản mà chưa có chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo phương án được đề xuất, nguồn vốn để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án giao thông trọng điểm sẽ có hai nguồn gồm nguồn vốn ngân sách và khai thác quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách khá eo hẹp, việc khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường để bán đấu giá được xem là “kênh” quan trọng để tạo vốn, đầu tư các dự án. Chính vì vậy, hiện nay các địa phương có các dự án đi qua đang thực hiện rà soát để điều chỉnh quy hoạch và lên phương án khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất - ông Mai Văn Hiền cho biết, trong 4 dự án giao thông trọng điểm được UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, có 2 dự án đi qua địa bàn huyện là các dự án đường tỉnh 773 và đường tỉnh 770B. Hiện nay, các dự án này đã được huyện cập nhật vào quy hoạch phát triển vùng huyện Thống Nhất cũng như quy hoạch sử dụng đất của huyện. Về phương án khai thác quỹ đất tạo vốn, đối với các dự án này, theo ông Mai Văn Hiền là khá thuận lợi bởi phần lớn quỹ đất được rà soát để thực hiện là đất công.

Ngọc Hân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/dau-tu/dong-nai-can-hon-7-000-ty-dong-lam-duong-ket-noi-san-bay-long-thanh/20210524082003089