Đồng minh tranh cãi về 'thoát Mỹ'

Giới phân tích đã dự báo được rằng Mỹ sẽ không trở lại làm 'cảnh sát trưởng' của phương Tây và phô trương sức mạnh quân sự trên toàn thế giới nữa.

Tranh cãi “thoát Mỹ”

Theo báo chí châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đang tranh cãi về việc liệu châu Âu có phải tự bảo vệ an ninh của mình mà không có sự hỗ trợ của bên thứ ba?

Trước đó, bà Kramp-Karrenbauer đã cảnh báo rằng ý tưởng về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu sẽ là “ảo tưởng” nếu cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể tự đảm bảo an ninh mà không cần vai trò của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Pháp đã cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Đức là “hiểu sai về lịch sử”. Ông Macron đối đáp lại rằng Mỹ chỉ chấp nhận châu Âu là đồng minh “nếu chúng ta coi trọng bản thân mình” và có thể “tự bảo vệ chủ quyền của mình”.

Theo trang mạng DW của Đức, quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, nói một cách dễ hiểu, chính là khả năng tự bảo vệ mình mà không cần vai trò của bên thứ ba. Nó cũng có nghĩa là tự mình đặt ra các quy tắc cho bản thân, không buộc phải phục tùng quy tắc của kẻ khác.

Tổng thống Pháp E. Macron (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Đức A. Karrenbauer (giữa) và Thủ tướng Đức A. Merkel

Tổng thống Pháp E. Macron (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Đức A. Karrenbauer (giữa) và Thủ tướng Đức A. Merkel

DW nhấn mạnh, châu Âu cũng đã nỗ lực làm việc để nâng cao khả năng tự vệ. Ngoài NATO và chiếc ô hạt nhân của Mỹ, EU còn có một chính sách quốc phòng và lực lượng tác chiến chung. Các nước thành viên EU gửi binh lính và cảnh sát tham gia các chiến dịch chung ở châu Phi và Đông Âu.

Tuy vậy, những đòi hỏi cần cao hơn, ít nhất là châu Âu phải có đủ khả năng tiến hành các hành động quân sự hoàn chỉnh trong khu vực láng giềng lân cận hoặc tự bảo vệ được mình trước các cuộc tấn công có thể xảy ra, dù điểm xuất phát của chúng từ Bắc Phi hay Trung Đông. Những nhiệm vụ như vậy cho tới nay EU vẫn phải trông cậy hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ Mỹ.

Bảo vệ EU là vấn đề chung của 27 quốc gia thành viên, vì vậy nếu chỉ từ phép cộng đơn thuần của ngân sách quốc phòng của từng quốc gia thì sẽ không thể tạo ra đột phá lớn. Bất chấp mọi nỗ lực, châu Âu vẫn không có được một nền công nghiệp quốc phòng thống nhất và hiện sử dụng nhiều loại xe tăng, máy bay, hệ thống phòng thủ rất khác nhau.

DW mỉa mai rằng nếu so sánh với NATO, nền quốc phòng của EU chỉ như một “chú lùn”. Chuyên gia Claudia Major từ Viện Khoa học và Chính trị Đức nói: “Dù chúng ta có chi rất nhiều tiền chăng nữa thì việc xây dựng năng lực phòng thủ cho châu Âu cũng phải mất ít nhất từ 10 đến 20 năm”.

Tờ báo Đức khẳng định quyền tự chủ đòi hỏi các khoản đầu tư rất lớn, lớn hơn nhiều so với ngân sách dành cho quốc phòng của châu Âu hiện nay.

Cả ông Macron và bà Kramp-Karrenbauer đều có điểm chung là muốn chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng nên DW cho rằng việc hai người tranh cãi là “vô lý”.

Đức và Pháp từ lâu đã "mơ" về một chính sách và lực lượng quốc phòng chung của châu Âu

Xuất phát từ luận điểm trên, DW nhận định, thực ra ông Macron và bà Kramp-Karrenbauer đang tiến hành một cuộc đối đầu giả với nhau, mà mục đích thực sự là nhắm tới những người đang cản trở nỗ lực tự khẳng định mình của châu Âu.

DW đã chỉ ra hai nhóm “cản trở”, trong đó nhóm thứ nhất là tất cả những người nghĩ rằng mọi thứ đều ổn dưới cái ô che chở của Mỹ, họ cho rằng tại sao người ta không vô tư tận hưởng sự thoải mái khi đã có Washington bảo vệ? Những cái tên điển hình được nêu tên là Ba Lan và các nước Baltic, những nước không gia nhập NATO với mong muốn được Mỹ chứ không phải châu Âu bảo vệ. Nhóm thứ hai là những người từ chối chiếc ô bảo vệ của Mỹ nhưng lại không muốn trả giá cao hơn để có thể lấp chỗ trống đó.

Cơn ác mộng chiến lược

Phân tích về mối quan hệ Mỹ-châu Âu trong tương lai, tờ Le Monde nhận định, ông Joe Biden có thể là tổng thống Mỹ thân châu Âu nhất, nhưng có lẽ ông sẽ không thể quan tâm đến các vấn đề của châu Âu bởi ông có quá nhiều việc phải lo.

Chuyến công du châu Âu gần đây nhất của Biden diễn ra vào tháng 2/2019. Tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục các nước châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như Mỹ đã làm. Sau phát biểu của ông Pence, ông Biden đã tìm cách trấn an giới chức châu Âu khi nhấn mạnh rằng "chúng tôi sẽ trở lại".

Châu Âu giằng xé khi vừa muốn "thoát Mỹ", vừa muốn nước Mỹ "trở lại"

Theo Le Monde, sự hiện diện của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến châu Âu "chìm vào một cơn ác mộng" chiến lược thực sự.

Qua nhiều giai đoạn hoài nghi, cuối cùng châu Âu cũng nhận ra thực tế là Mỹ đã rời xa châu Âu và chỉ quan tâm đến một số chính quyền dân túy. Giờ đây, châu Âu đang tỏ ra kỳ vọng vào “sự trở lại” của ông Biden.

Tờ báo Pháp khẳng định, khi nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021, ông Biden sẽ là tổng thống Mỹ giàu kinh nghiệm nhất về các mối quan hệ quốc tế kể từ thời George Bush cha.

Đội ngũ lãnh đạo đối ngoại mà ông Biden công bố ngày 23/11 được Le Monde gọi là "đội hình trong mơ". Ví dụ, Tony Blinken - người được chọn làm lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ - lớn lên ở Paris (Pháp) và quen thuộc với châu Âu.

Tờ DW thừa nhận việc ông Biden đắc cử sẽ giúp không ít quốc gia châu Âu hài lòng, song cảnh báo rằng trong một số vấn đề, người châu Âu có thể sẽ phải tranh luận với ông Biden nhiều hơn là với ông Trump.

EU không nên ảo tưởng quá nhiều vào sự thay đổi của nhanh chóng của Mỹ, bởi ông Biden ban đầu sẽ chủ yếu giải quyết các vấn đề chính trị trong nước.

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận chung ở châu Âu

Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói thẳng: "Ông Joe Biden sẽ không thay đổi cách tiếp cận của Washington đối với các vấn đề quốc tế chỉ sau một đêm, bởi vì ông ấy không thể làm như vậy".

Sebastien Maillard, người đứng đầu Viện Jacques Delors, cảnh báo rằng "người châu Âu cần học cách sống mà không có sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ".

Hãng tin AFP của Pháp đánh giá rằng những bình luận trên cho thấy giới phân tích đã dự báo được rằng Mỹ sẽ không trở lại làm "cảnh sát trưởng" của phương Tây và phô trương sức mạnh quân sự trên toàn thế giới theo cách mà Mỹ từng làm nhiều thập kỷ trước sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nathalia Tocci, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế của Italy, nói: "Chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của chủ nghĩa đế quốc Mỹ với việc Mỹ không còn muốn trở thành 'cảnh sát của thế giới'".

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dong-minh-tranh-cai-ve-thoat-my-3423461/