Đồng minh Mỹ trừng phạt Nga như thế nào?

Chiến lược lôi kéo đồng minh của Mỹ bắt đầu, Úc công bố lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga và bán đảo Crimea.

Hôm 29/3, Ngoại trưởng Úc Marise Payne công bố nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một cá nhân và 4 công ty từ Nga liên quan đến việc xây dựng và vận hành đoạn đường sắt của Cầu Crimea.

Tổng thống Biden đang dùng chính sách lôi kéo đồng minh để đạt được ý định ngoại giao với đối thủ.

Tổng thống Biden đang dùng chính sách lôi kéo đồng minh để đạt được ý định ngoại giao với đối thủ.

Ngoại trưởng Úc tuyên bố: "Úc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu và cấm đi lại đối với một cá nhân Nga và 4 công ty Nga có liên quan đến việc xây dựng và vận hành Cầu đường sắt eo biển Kerch.”

Lệnh trừng phạt từ Úc được đưa ra sau khi Nga đã hoàn thành cây cầu đường sắt này từ lâu. Song đáng chú ý là nó được công bố sau khi Canada cũng đưa ra tuyên bố tương tự nhằm vào bán đảo Crimea.

Tờ Global Affairs Canada thông báo rằng Bộ trưởng Ngoại giao nước này Marc Garneau đã công bố việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 giám đốc điều hành và 4 thực thể của Nga để đáp lại quyết định tái gia nhập Nga của người dân Crimea.

Trước đó một tuần, Ottawa thông báo họ đã trừng phạt 9 quan chức cấp cao của Nga theo các biện pháp tương tự mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện trước đó về trường hợp của nhà hoạt động đối lập người Nga Alexei Navalny.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được công bố dồn dập sau cuộc họp nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản) hồi giữa tháng 3 xác định: "Crimea là của Ukraine và cáo buộc Nga sáp nhập bán đảo này bất hợp pháp."

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tròn 7 năm Nga sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý (18/3/2014-18/3/2021).

Các lệnh trừng phạt Nga từ các Canada và Úc cũng không phải ngẫu nhiên được áp đặt. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù áp đặt các lệnh trừng phạt hay duy trì trừng phạt Nga, ông Trump cũng không thu hút các đồng minh Mỹ. Nhưng sự tích cực của những đồng minh Mỹ đối với lệnh trừng phạt Nga đang ngày càng gia tăng dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Đoàn kết nước Mỹ và hướng tới gắn kết tình đồng minh là một trong những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi tranh cử. Nỗ lực hàn gắn đồng minh của Mỹ đã được thúc đẩy thông qua các cuộc họp nhóm G7, NATO.

Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngoại trừ vấn đề dự án Nord Stream-2, Mỹ vẫn có chung tiếng nói với đồng minh ở mọi lĩnh vực.

Điều này đã đúng với trường hợp Mỹ và các đồng minh cùng lúc trừng phạt Trung Quốc hồi tuần qua. Hôm 23/3, Mỹ, Anh, Canada và EU đồng loạt áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì các vấn đề tại Tân Cương.

Ngoại trưởng Blinken cho biết động thái áp lệnh trừng phạt Trung Quốc thể hiện cam kết của các nước phương Tây trong việc hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy quyền con người và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

EU ngày 22/3 công bố lệnh trừng phạt đầu tiên nhằm vào 4 quan chức và một tổ chức nhà nước Trung Quốc. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhằm vào các quan chức Trung Quốc kể từ năm 1989.

Một cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan thực thi chính sách trừng phạt của Mỹ, cho biết việc Washington và các đồng minh áp lệnh trừng phạt phối hợp cùng một ngày là động thái "cực hiếm".

"Các động thái hôm nay cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thay đổi chiến lược "đi một mình" của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc áp lệnh trừng phạt", John Smith tại hãng luật Morrison & Foerster nhận định.

Giới phân tích cho rằng động thái áp lệnh trừng phạt tập thể là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden coi việc tập hợp đồng minh như một công cụ để đối phó với các vấn đề thế giới đang ngày càng quyết đoán hơn.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dong-minh-my-trung-phat-nga-nhu-the-nao-3429831/