Đồng minh hy vọng Mỹ sẽ không 'bắt nạt'

Theo The Economist, nếu ông Biden đắc cử, sẽ không còn những hành động 'bắt nạt' và đe dọa rời khỏi NATO.

Những hành động “bắt nạt”

Tạp chí The Economist của Anh mới đây có bài viết cho rằng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã giúp nhiều nước trên thế giới, nhất là các đồng minh của Washington, "thở phào" nhẹ nhõm. Theo tờ báo này, nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ không còn những hành động "bắt nạt" và đe dọa rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bên cạnh đó, The Economist dự đoán, Mỹ cũng sẽ ngừng coi Liên minh châu Âu (EU) là kẻ thù về thương mại hay các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là cái "lưới bảo vệ". Chính quyền của ông Biden được cho là sẽ mở rộng hợp tác giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, từ đại dịch COVID-19 đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ D. Trump tại một hội nghị NATO tháng 7/2018

Tổng thống Mỹ D. Trump tại một hội nghị NATO tháng 7/2018

Ông Biden hứa hẹn sẽ đưa nước Mỹ trở lại làm "ngọn hải đăng", "nhà vô địch" và đặt trọng tâm chiến lược vào các đồng minh. Theo tờ báo Anh, ông Biden coi các đồng minh như phương tiện để nâng cao ảnh hưởng của Mỹ, biến một quốc gia chiếm 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trở thành một thế lực lớn mạnh hơn gấp 2 lần.

Được coi là người theo chủ nghĩa đa phương, ông Biden đã cam kết đưa nước Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà Tổng thống Donald Trump đã chính thức rời bỏ ngày 4/11 vừa qua. Ông Biden cũng tin rằng việc Mỹ lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tốt hơn là việc rời bỏ tổ chức này.

The Economist còn kỳ vọng, chính quyền của ông Biden sẽ khôi phục việc kiểm soát vũ khí, đặt ưu tiên rằng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ được gia hạn sau ngày 5/2/2020; tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận mà chính quyền của Tổng thống Trump đã từ bỏ.

Tuy nhiên, tờ báo Anh cũng chỉ ra những thách thức đối với ông Biden nếu trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Theo đó, không phải tất cả các quốc gia đều hoài niệm về chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama và mong muốn các chính sách này sẽ quay trở lại dưới thời ông Biden. Một số quốc gia của NATO mà The Economist gọi là “trên chiến tuyến” với Nga thích cách quốc phòng được tăng cường dưới thời ông Trump.

Trong khi đó, các đồng minh châu Á được cho là thích cách ông Trump đối đầu với Trung Quốc, cách ông nói về một "Ấn Độ Dương Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" cũng như cách ông hợp tác trong Bộ Tứ với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.

The Economist kỳ vọng vào ông Joe Biden

Các ưu tiên của ông Biden là dập tắt dịch bệnh và cải thiện nền kinh tế. Trên cả hai mặt trận này, ông Biden sẽ đối mặt thách thức nếu Thượng viện nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa. Những rắc rối như vậy ở trong nước có thể làm gia tăng sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc gánh thêm các gánh nặng ở nước ngoài.

The Economist cho rằng, thay vì đưa ra các nhu cầu chồng chất, các đồng minh của Mỹ nên cố gắng chứng tỏ họ đã học cách đảm đương phần việc của mình. Ví dụ, các đối tác NATO không nên giảm bớt việc chi tiêu quốc phòng chỉ vì ông Trump không còn "bắt nạt" họ nữa.

Đức nên chú ý đến những nỗ lực của Pháp trong việc xây dựng năng lực phòng thủ của châu Âu. Ở châu Á, Bộ Tứ có thể tiếp tục tăng cường hợp tác hải quân và nhiều lĩnh vực khác...

Mỹ sẽ đảo ngược chính sách?

Trong khi đó, tờ Phân tích Á-Âu cho biết, trước cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua và thậm chí trước khi giữ cương vị Phó Tổng thống dưới thời Obama, ông Biden đã dành 36 năm cuộc đời làm thượng nghị sĩ đại diện cho bang Delaware. Trong những năm đó, ông là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, trong đó có 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch ủy ban này.

Quá trình công tác như vậy đã giúp ông Biden có được vị trí thuận lợi để thúc đẩy tầm nhìn về vị thế của nước Mỹ mà mọi người đã đặt cho nhiều tên gọi khác nhau: chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương, chủ nghĩa can thiệp tự do.

Những chính sách của ông Biden được cho là sẽ khác biệt hoàn toàn với chính sách của Tổng thống Trump, người đã chế giễu các đồng minh của Mỹ như NATO, đưa nước Mỹ ra khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí và hạt nhân, hủy hoại mối quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng và nhiều chính sách tương tự.

Ông Biden vẫn chưa chính thức giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Sự nghiệp tại Thượng viện cũng đã cho ông Biden cơ hội để thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài, đặc biệt là các chuyến thăm tới Đông Âu, Nam Á, Liên Xô và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Giới phân tích cho rằng, các chuyến đi này đã hé lộ chính sách đối ngoại của ông Biden.

Với mục tiêu ký kết các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, ông Biden đến Moscow vào tháng 8/1979 để gặp Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko. Đây là thời điểm không lâu sau khi Thượng viện Mỹ không phê chuẩn Hiệp ước Giới hạn vũ khí chiến lược giai đoạn 2 (SALT II).

Trả lời phỏng vấn báo chí khi đó, ông Biden nói: “Tôi cho rằng triển vọng của quan hệ Xô-Mỹ là tốt, tuy nhiên nói thẳng ra thì chúng tôi cần phải thông qua Hiệp ước SALT II trước để củng cố mối quan hệ này. Ngay sau đó, cần tiến tới thảo luận về SALT III và giải quyết vấn đề về các lực lượng của Mỹ và Liên Xô tại Châu Âu”.

Ông Biden trở lại thủ đô của Liên Xô vào tháng 1/1988, khi Washington và Moscow đang thúc đẩy ký kết thêm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng là Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Hiệp ước này cuối cùng đã được nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký kết.

Sau khi cùng ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008, một trong những chuyến công du cuối cùng của ông Biden với vai trò là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là đi thăm Iraq, Afghanistan và Pakistan. Hai năm sau đó, ông Biden trở lại Kabul để đảm bảo với Chính phủ Afghanistan rằng Mỹ sẽ duy trì hiện diện tại nước này.

Ông Biden sẽ đưa nước Mỹ trở lại với các chính sách thời Obama?

Trong bối cảnh, Tổng thống Trump đang đẩy nhanh việc rút quân khỏi Afghanistan và Trung Đông, ông Biden có thể sẽ đảo ngược tiến trình này khi bước chân vào Nhà Trắng. Ông Biden từng nhấn mạnh rằng Mỹ nên rút quân từ từ và trong một số trường hợp nên duy trì một lực lượng tại Afghanistan để ngăn chặn các nhóm khủng bố tiềm tàng.

Ông Biden cũng là nhân vật chủ chốt của mối quan hệ Mỹ-Ukraine. Tháng 12/2015, ông Biden đến Kiev và đây là 1 trong 6 chuyến thăm của ông tới Ukraine trên cương vị Phó Tổng thống từ năm 2009. Trong bài phát biểu tại Quốc hội Ukraine, ông Biden đã ca ngợi cuộc chiến của quốc gia này chống lại các lực lượng đòi độc lập.

Một trong những chuyến công du cuối cùng của ông Biden trước khi tranh cử tổng thống là chuyến đi tới Đức để tham dự và phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2019. Đây là cuộc gặp của các quan chức và chuyên gia của châu Âu, Bắc Mỹ và các nước khác về các vấn đề an ninh quốc tế.

Tại sự kiện này, Phó Tổng thống Mike Pence của chính quyền Tổng thống Trump đã phát biểu trước ông Biden. Ông Pence chỉ trích các đồng minh châu Âu vì đã ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà chính quyền ông Trump đã rút khỏi vào năm 2018. Trong khi đó, ông Biden lại sử dụng bài phát biểu của mình để chỉ trích chính sách của Tổng thống Trump đối với NATO khi tuyên bố: “Theo quan điểm của tôi, nước Mỹ sẽ không bao giờ được quay lưng lại với thế giới và các đồng minh của mình”.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dong-minh-hy-vong-my-se-khong-bat-nat-3422757/