Động lực và kỳ vọng trong hội nghị Nga – Triều đầu tiên

Triều Tiên tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế trong bối cảnh đàm phán bế tắc với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiếp tục lựa chọn tàu làm phương tiện cho chuyến đi lần này. Ảnh: CNN

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiếp tục lựa chọn tàu làm phương tiện cho chuyến đi lần này. Ảnh: CNN

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA mới đây cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã lên tàu tới Nga, tiến tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Vladivostok và nếu khởi hành từ Bình Nhưỡng, ông Kim có thể mất ít nhất 20 tiếng để tới thành phố vùng Viễn Đông.

Thông tin từ Yonhap cho biết, cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Triều sau 8 năm sẽ diễn ra vào 25/4. Trước đó, cha của ông Kim Jong Un là ông Kim Jong-il đã gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vào năm 2011.

Chuyến đi của ông Kim tới quốc gia láng giềng diễn ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc giữa Bình Nhưỡng và Washington. Hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng 2 tại Hà Nội đã kết thúc sớm hơn dự kiến và không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết do khoảng cách liên quan đến việc đánh đổi các biện pháp trừng phạt và phi hạt nhân hóa.

Giữa tình hình trên, mối liên kết kinh tế với Nga có lẽ là động lực lớn thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Vladivostok.

Giới phân tích cho rằng, ngoài tìm kiếm gia tăng mối quan hệ kinh tế với Nga, ông Kim Jong Un cũng tìm cách tạo đối trọng với Trung Quốc, theo AFP.

Giáo sư Artyom Lukin thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông tại Vladivostok nhận định ông Kim dường như đang muốn chứng minh ông vẫn có thể gặp gỡ, tương tác với các nhà lãnh đạo thế giới khác và có nhiều sự lựa chọn.

“Ông Kim không muốn bị coi là phụ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc”, Reuters dẫn lời.

Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc, Nga tiếp nhận lao động nhiều thứ hai sau Trung Quốc. Người Triều Tiên tại đây làm việc trong các lĩnh vực như khai thác mỏ, may mặc, xây dựng. Việc hợp tác trong lao động tạo ra mối quan tâm chung của Nga và Triều Tiên về việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

Trước khi Liên Hợp Quốc mở rộng lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng năm 2017, Nga và Triều Tiên từng hợp tác trong nhiều dự án kinh tế chung, bao gồm khôi phục và mở rộng tuyến đường sắt dài 54km nối cảng Rajin tới vùng Khasan của Nga.

Rajin là khu vực Nga thường xuất khẩu than đá thông qua đường biển tới Trung Quốc và từ lâu, Moscow đã mong muốn vận chuyển nhiều hơn nữa, không chỉ tới Trung Quốc và còn tới các nền kinh tế thiếu tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai trước đó từng được kỳ vọng sẽ là cơ hội giúp Triều Tiên được giảm nhẹ hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt này đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Bình Nhưỡng.

Nếu Mỹ không thay đổi lập trường, Triều Tiên sẽ không thể thoát khỏi lệnh trừng phạt và khó mở cửa với thế giới, BBC News dẫn nhận định của Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin (Seoul).

Do đó, Triều Tiên đang tìm đến những lựa chọn khác có thể giúp đạt được mục tiêu. Thành tựu ngoại giao dù chỉ mang tính biểu tượng cũng sẽ có ích cho Bình Nhưỡng.

Đối với Nga, cuộc gặp mặt với ông Kim sắp tới là cơ hội đưa Nga trở lại vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù không đồng thuận với việc Bình Nhưỡng tiến tới một quốc gia hạt nhân, Nga chấp nhận việc bất khả thi trong phi hạt nhân hóa tại đây, do đó tìm kiếm đối thoại để ổn định tình hình.

Không chỉ vậy, đây còn là vấn đề về danh tiếng, khẳng định sự hiện diện của Moscow trong khu vực.

BBC News dẫn nhận định chuyên gia cho rằng, hội nghị Nga - Triều lần này khó có thể đạt được một thỏa thuận lớn.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dong-luc-va-ky-vong-trong-hoi-nghi-nga-trieu-dau-tien-1556076093449.htm