Động lực tiền lương

'Mấy ngày qua thông qua báo chí, chúng tôi biết Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp để đưa ra mức tăng cụ thể cho lương tối thiểu vùng năm 2020. Dù được biết những con số do các bên đưa ra nhưng tôi không còn háo hức và hy vọng nữa. Bởi bao năm qua chúng tôi đã háo hức, đã hy vọng nhưng mong ước có thể sống được bằng lương vẫn chỉ là giấc mơ…' - chị Nguyễn Thu Dung, làm việc tại KCN Đông Anh, Hà Nội chia sẻ.

Không giấu được cảm xúc, chị Dung khẽ đưa tay lau những giọt nước mắt kể: Tôi người Bắc Ninh, chồng là người Hải Dương đi làm gặp nhau rồi lấy nhau giờ đã có hai mặt con. Thằng lớn thì gửi bà nội ở Hải Dương, đứa nhỏ thì gửi bà ngoại ở Bắc Ninh để tiết kiệm chi phí nhà trọ và gửi trẻ. Khi công ty không có việc thì mỗi người về một nơi thăm con, cả nhà có khi chỉ tụ tập đông đủ vào dịp nghỉ tết. “ Năm ngoái tôi đọc báo thấy nói để có được mức tăng 5,3% so với năm 2018 đã phải trải qua 3 cuộc đàm phán giữa các bên rất căng thẳng. Với mức tăng như vậy hàng tháng hai vợ chồng được tăng 400.000 đồng/tháng nhưng lương tăng thì ít mà các chi phí khác như tiền điện, tiền nhà, tiền ăn tăng gấp 3, gấp 4 lần. Chưa kể việc doanh nghiệp (DN) thẳng tay cắt giảm nhiều phúc lợi khác vì lý do tăng lương tối thiểu. Như thế giá như đừng tăng lương có khi lại hơn” -chị Dung chia sẻ.

Trên đây chắc chắn không chỉ là mong ước của riêng chị Dung mà là mong muốn của hàng chục nghìn người lao động hiện nay. Nhưng những mong ước ấy cứ mãi bị lỗi hẹn dù theo Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Chia sẻ về những “góc khuất” tạo ra những bất cập về cơ chế tiền lương hiện nay, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thẳng thắn cho rằng: “Năm vừa rồi, khi tiền lương tối thiểu tăng, chúng tôi thấy DN kêu rất nhiều, nhưng thực tế khảo sát cho thấy, DN vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, chúng tôi thừa nhận tiền lương tối thiểu cũng phải tính đến “sức khỏe” của DN để đảm bảo hài hòa giữa các bên. Từ trước đến nay, căn cứ này thường được xác định dựa trên cảm tính nhiều hơn”- ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

Thực tế dù được đánh giá là hoạt động có hiệu quả, trách nhiệm nhưng thực tế lâu nay các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn mải miết trong một vòng tròn: Đàm phán căng thẳng vì bất đồng nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (NLĐ) vẫn luôn bị lỗi hẹn.

Đứng trước những thách thức trên, tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định: Cho phép DN được quyền xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, tiến tới giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào chính sách tiền lương trong doanh nghiệp. Theo đánh giá quy định về tiền lương, nhất là tiền lương tối thiểu trong lần sửa đổi này về cơ bản đã đáp ứng theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 27/NQ-TW. Trong đó, đã thay khái niệm nhu cầu sống tối thiểu bằng mức sống tối thiểu để phù hợp hơn, bổ sung thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia là những chuyên gia kinh tế - xã hội để đảm bảo khách quan trong việc đưa ra các căn cứ thương lượng. Một trong những điểm nhấn là Dự thảo đề xuất quy định để DN được quyền xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, tiến tới giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào chính sách tiền lương trong DN.

Dưới góc độ tổ chức đại diện người lao động, song ông Quảng cũng khẳng định, xu hướng của cơ chế thị trường là phải tiến tới giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào tiền lương trong doanh nghiệp cũng như vào quan hệ lao động. Thay vào đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò “bà đỡ”, và chỉ quy định một số chính sách hỗ trợ, mức sàn lương tối thiểu.

Cũng thừa nhận còn những bất cập, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chính sách tiền lương hiện hành đang mâu thuẫn ở chỗ quy định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, trong khi nhu cầu này luôn biến động. Bên cạnh đó, quy định thang lương, bảng lương phải có sự quản lý của Nhà nước trong quá trình triển khai là rất khó thực hiện được.

Rõ ràng để giải quyết những bài toán làm sao để người lao động sống được bằng lương cần phải đổi mới cơ chế chính sách tiền lương, trao quyền tự chủ cho DN, người lao động tự quyết việc trả lương. Khi được trao quyền xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, tiền thưởng cả DN và NLĐ sẽ không còn tâm lý “mặc cả” mà sẽ coi tiền lương là công cụ để nâng cao năng suất lao động, là động lực để phấn đấu. Đây là xu hướng tiến bộ của quan hệ lao động, của cơ chế thị trường.

* Để có cơ sở xác định mức sống tối thiểu, trong Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 đã nêu rõ: Cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương. Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 quy định: Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/dong-luc-tien-luong-tintuc439695