Động lực tăng trưởng

Hôm nay (15/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội thảo 'Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy'. Tại Hội thảo câu hỏi đâu là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, đâu là điểm nghẽn cản sự phát triển và giải pháp đưa ra là gì để đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ được đặt ra.

Công nghiệp chế biến- điểm sáng của nền kinh tế thời gian qua.

Động lực nào giúp tăng trưởng kinh tế? Đây được coi là vấn đề nóng, nhất là tại kỳ họp Quốc hội trong những ngày qua. Sở dĩ vấn đề tăng trưởng GDP đang làm nóng nghị trường cũng như khiến nhiều chuyên gia muốn đặt câu hỏi về “kỳ tích” tăng trưởng những tháng cuối năm là bởi năm nay tăng trưởng kinh tế có những điểm “lạ”. TS Trần Đình Thiên- viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong những ngày qua, khi Chính phủ vừa phải vất vả điều hành kinh tế đạt mục tiêu đề ra, vừa phải giải trình trước dư luận, trước Quốc hội về điểm “kỳ dị” của tăng trưởng kinh tế quý III, dẫn đến nghi ngờ là Chính phủ đang muốn cố tăng trưởng bằng mọi giá.

Có sự hoài nghi là điều dễ hiểu bởi, giải ngân đầu tư công kém, gần hết năm rồi mà mới được khoảng 50%, khai khoáng, một trong những lĩnh vực chủ lực cho tăng trưởng đang giảm ghê gớm, khu vực tư nhân nội địa yếu, khu vực doanh nghiệp nhà nước lắm chuyện lình xình…Vậy mà tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước. Đặc biệt tăng trưởng quý III đạt 7,46% trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Vậy động lực tăng trưởng ở đâu ra?

Phân tích về những nguyên nhân tăng trưởng quý 3 có bước đột phá như vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, cả khách quan, cả chủ quan, cả bối cảnh trong nước và quốc tế và hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân, tạo ra động lực tăng trưởng cho cả tổng cung và tổng cầu của cả nền kinh tế. Về việc quý III năm nay GDP tăng trưởng đột nhiên “cao vọt”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua tổng hợp cho thấy cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP của quý I chiếm 18%, quý II chiếm 24%, quý III chiếm 26%, quý IV chiếm 32% tổng giá trị GDP của cả năm và quý IV thường có một tỷ trọng lớn nhất và có một vai trò quan trọng quyết định tăng trưởng của cả năm. Như vậy, nếu cứ đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội giao là hoàn toàn khả thi.

Điều đáng mừng là lần đầu tiên Chính phủ không coi mục tiêu khai khoáng và tăng trưởng tín dụng làm động lực. Động lực cho tăng trưởng, là Chính phủ đã sáng tạo trong quản lý, điều hành, quyết tâm, kiên trì với mục tiêu tăng trưởng là 6,7%. Để đạt được mục tiêu này, định kỳ Chính phủ đã xây dựng các kịch bản cho Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện, tổ chức các tổ công tác làm việc hết sức tích cực. Thủ tướng thường xuyên đối thoại để tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt là các bộ rất quan tâm đến vấn đề này. Miễn giảm thuế, lãi suất tín dụng giảm trong năm 2 lần..”.

Động lực, chính là sự điều hành sát, đúng, sự lăn lộn rất quyết liệt của Chính phủ. Sự xuất hiện của Thủ tướng Chính phủ ngay trong bão lũ lịch sử ở khắp mọi miền của đất nước tạo nên ấn tượng mạnh, gây xúc động trong đồng bào và cử tri cả nước”... chắc chắn đó chính là động lực quan trọng nhất để cán đích mục tiêu tăng trưởng.

Dù đạt được những kết quả ấn tượng như vậy, nhưng theo tính toán của chuyên gia, để đạt tăng trưởng cả năm 6,7% thì trong đó quý IV phải đạt ít nhất là 7,32%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi mức tăng trưởng như vậy phải cao gấp rưỡi hồi đầu năm và là mức cao nhất trong 6 năm qua. Trong khi đó, những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng qua gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa. Thêm nữa, vừa qua, lũ lụt xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Đây là thách thức lớn đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Không tô hồng thành tích, không chủ quan trong điều hành, nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 là có cơ sở. Chính phủ cho rằng, những cải thiện trong tổng cầu và sức mua của thị trường trong nước, tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, sự phục hồi của công nghiệp chế biến và tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ... là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm cao hơn nửa đầu năm.

Việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Nếu tất cả các ngành, các cấp ngành phấn đấu nỗ lực và có sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao, tập trung khắc phục các khó khăn khả năng cán đích mục tiêu tăng trưởng 6,7% có thể đạt được.

Để cán đích mục tiêu tăng trưởng của cả năm và làm bước đệm cho những năm tiếp theo vẫn còn nhiều việc phải làm. Việc quan trọng nhất theo các chuyên gia phải tiếp tục công phá những điểm nghẽn thủ tục hành chính đang là rào cản, cản trở sự phát triển. PGS TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) phân tích, điểm nghẽn nhất cản tăng trưởng nằm ở bộ máy hành chính kém hiệu quả. Theo tính toán, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.

Tháo gỡ những điểm nghẽn này sẽ có tác động tích cực lớn nhất tới tăng trưởng trong ngắn hạn. Do đó, Nhà nước cần phải là chủ thể chính tháo gỡ những điểm nghẽn này, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp chỉ có vai trò hỗ trợ. Trong dài hạn, điểm nghẽn tăng trưởng nằm ở kết cấu hạ tầng và vốn nhân lực. Đối với những rào cản này, vai trò của Nhà nước cần thể hiện ở việc đề ra tầm nhìn đúng đắn trong dài hạn và xây dựng được cơ chế, chính sách linh hoạt cho phép, thu hút, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp với tư cách là chủ thể chính tháo gỡ các rào cản này.

Dù Chính phủ đã kiến giải rõ ràng về động lực cho tăng trưởng kinh tế, hiện vẫn còn nhiều luồng ý kiến. Có ý kiến bi quan thì lo ngại về sự mong manh, thiếu bền vững của tăng trưởng nhưng cũng có những ý kiến lạc quan tin tưởng sự quyết tâm cũng như hành động của Chính phủ. Song, động lực mà ai cũng phải ghi nhận, là sự đồng thuận, đoàn kết của tập thể Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng. Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để đạt được những thành tích như vừa qua “Chính phủ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới đạt được”.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/dong-luc-tang-truong-385865