Động lực tăng trưởng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai

Ngày 15/4, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế năm 2022 (HEF 2022) với chủ đề 'Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai'.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng tham dự.

Diễn đàn thu hút khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao; các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...); các tổ chức quốc tế như WEF, OECD; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số; đại diện các quốc gia thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số; các doanh nghiệp… cùng dự.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, chuyển đổi số xác định là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc thúc đẩy kinh tế số trong thời gian diễn ra đại dịch đã giúp cho các nước đứng vững trước tác động tiêu cực của đứt gãy chuỗi thương mại toàn cầu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại một cách sâu rộng hơn, tạo chuỗi giá trị mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực và năng suất lao động hiệu quả, tăng cường liên kết hỗ trợ giữa các nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia trong hội nhập.

Kinh tế số còn giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. Thành công trong chuyển đổi số ở thành phố Hồ Chí Minh góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi số của cả nước; đồng thời, khẳng định vai trò vị trí đầu tàu của Thành phố về kinh tế, tài chính thương mại và công nghệ ở tầm quốc gia và khu vực.

Để chuyển đối số thành công, Phó Thủ tướng đề nghị, thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực. Chỉ khi có nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác.

Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố Hồ Chí Minh trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển. Thành phố cần phải học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản mới hấp thụ được tinh hoa, các bài học quý của bạn bè quốc tế trong chuyển đổi số. Cần chú trọng an toàn, an ninh mạng trong các giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực.

Tại buổi khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, diễn đàn năm nay tổ chức trong bối cảnh kinh tế - xã hội thành phố đang phục hồi mạnh mẽ sau một năm bị khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19. Có thể nói, giai đoạn hiện nay thế giới thật sự có 2 nền kinh tế: nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế truyền thống. Nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ, đến mức lấn áp nền kinh tế truyền thống.

Theo Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP. Đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á; kinh tế số chiếm 40% GRDP.

Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số; đặt mục tiêu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo thành phố và Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả. Triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh (giai đoạn 2) và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế số của thành phố.

Do đó, diễn đàn kinh tế số có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố cầu thị lắng nghe tất cả ý kiến của các chuyên gia, trước hết là ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm mô hình kiến tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trước mắt và lâu dài.

HEF 2022 xoay quanh 4 chủ đề chính: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại thành phố Hồ Chí Minh: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số. Đồng thời, tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố, giúp doanh nghiệp thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/dong-luc-tang-truong-va-phat-trien-thanh-pho-ho-chi-minh-trong-tuong-lai-693292/