Động lực tăng trưởng kinh tế từ ngành nông nghiệp

9 tháng năm 2018, GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua, cho thấy nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi từ 'lượng' sang 'chất' đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Ngành nông nghiệp đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước.

"Chất" dần thay "lượng"

Bất chấp những khó khăn về rào cản kỹ thuật lẫn thương mại từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, giá trị sản xuất thủy sản vẫn tăng 6,46%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Tiếp sau thủy sản là lâm nghiệp (tăng 6%), trồng trọt (tăng 3%), chăn nuôi (tăng 2,41%). Ấn tượng nhất là mặt hàng gạo, sau vài năm sụt giảm mạnh về xuất khẩu thì nay đã lấy lại “phong độ” về kim ngạch xuất khẩu khi lượng xuất tăng ít mà kim ngạch thu lại tăng nhiều. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2018 đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu, như: Gạo 2,48 tỷ USD (lượng tăng 7,6%, giá trị tăng 23,1%); lâm sản chính 6,64 tỷ USD (tăng 14%); rau quả và trái cây 3,034 tỷ USD (tăng 17,1%) so với cùng kỳ năm 2017...

Thu hoạch lúa tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho hay: "Thời gian qua, chúng ta tập trung vào sản xuất, xuất khẩu gạo chất lượng cao. Do vậy, lượng gạo xuất khẩu tăng ít nhưng giá trị lại tăng cao so với cùng kỳ những năm trước đây". Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện quyết liệt, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng thị trường và dựa trên lợi thế cạnh tranh bắt đầu mang lại hiệu quả.

Ngay trong từng ngành hàng, việc thực hiện tái cơ cấu cũng diễn ra mạnh mẽ, như: Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi xuất khẩu chính lúa gạo, đến nay sản lượng lúa chất lượng cao chiếm tới 80%. Riêng chăn nuôi vốn là mặt hàng lâu nay vẫn e ngại về khả năng cạnh tranh thì đến nay đã xuất khẩu được 465 triệu USD. Ngoài ra, các sản phẩm khác như rau quả, trái cây, thủy sản, cà phê... tiếp tục tăng trưởng.

Thêm nữa, việc thu hút các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ví dụ: Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty Cổ phần Nafoods Group (Nafoods), TH True Milk, Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Macsan.... đã giúp tăng chất lượng, chế biến sâu làm gia tăng giá trị của nông sản. Ngoài ra, khi có sự tham gia của doanh nghiệp thì việc tiêu thụ, mở rộng thị trường nông sản có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường

Để đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng, Bộ NN&PTNT đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lúa thu hoạch phải đạt tối thiểu 4,2 triệu tấn, ngô là 505.000 tấn, chè là 44,9 nghìn tấn, cà phê 517.000 tấn, cao su 115,1 nghìn tấn. Thủy sản phải đạt hơn 736.000 tấn…

Tin vui đối với thủy sản Việt Nam đến từ thị trường Mỹ. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) là 4,58%. Mức thuế cuối cùng này thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC thông báo ngày 8-3-2018. Không chỉ tôm, cá tra cũng đón nhận thông tin vui khi DOC thông báo kết quả sơ bộ của đợt rà soát thuế CBPG lần thứ 14 (POR 14), theo đó mức thuế đối với sản phẩm cá tra là 2,39 USD/kg, giảm khá mạnh so với con số 3,87 USD/kg đợt trước. Việc Mỹ hạ thuế CBPG đối với tôm và cá tra của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu tôm và cá tra sang thị trường này trong thời gian tới. Một tin vui nữa là đối với chương trình thanh tra cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thực hiện. Ngày 19-9-2018, Văn phòng Đăng ký liên bang của Hoa Kỳ đã đăng bản Dự thảo quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm cá tra (bộ Siluriformes) của Việt Nam. Như vậy, cá tra của Việt Nam nhiều khả năng sẽ được phía Mỹ công nhận chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần “vượt” rào cản kỹ thuật của thị trường Mỹ đối với sản phẩm này.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, tình hình căng thẳng thương mại hiện nay giữa các nước lớn có thể sẽ giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ). Do đó, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2018 khoảng 38-40 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-luc-tang-truong-kinh-te-tu-nganh-nong-nghiep-552203