Động lực sau những lá thư cảm ơn

Sau mỗi vụ án được khám phá, sau mỗi việc làm với tinh thần trách nhiệm giúp dân, các cán bộ, chiến sĩ Công an đều cảm thấy nhẹ lòng hơn khi hoàn thành nhiệm vụ. Và, có một sự động viên lớn lao, làm động lực giúp các cán bộ, chiến sĩ có thêm nhiệt huyết trong giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, đó là những lá thư cảm ơn.

Sau mỗi vụ án được khám phá, sau mỗi việc làm với tinh thần trách nhiệm giúp dân, các cán bộ, chiến sĩ Công an đều cảm thấy nhẹ lòng hơn khi hoàn thành nhiệm vụ. Và, có một sự động viên lớn lao, làm động lực giúp các cán bộ, chiến sĩ có thêm nhiệt huyết trong giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, đó là những lá thư cảm ơn.

Trung úy Võ Thành Hiệp (trái) và Trung úy Huỳnh Văn Tiến hiến máu cứu bệnh nhân.

Trung úy Võ Thành Hiệp (trái) và Trung úy Huỳnh Văn Tiến hiến máu cứu bệnh nhân.

Trách nhiệm của người chiến sĩ Công an

Dòng thư có nét chữ nguệch ngoạc, được viết tay trên tờ giấy vở học sinh nhưng đó là tấm lòng, sự ghi nhận của người dân gửi đến cán bộ, chiến sĩ CAH Nghĩa Hành ngày đêm truy lùng đối tượng cướp táo tợn bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Người viết lá thư ấy là chị Nguyễn Thị Thanh Thảo ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng, H. Nghĩa Hành.

Đã nhiều tháng qua, nhưng chị Thảo vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ tới vụ đối tượng dùng dao khống chế chị cướp tài sản. Vào khoảng 21 giờ 30 ngày 28-8-2019, lúc chị đang ở nhà thì bị 1 đối tượng lạ mặt đột nhập, dùng dao khống chế, cướp 1.350.000 đồng. Để tránh sự phát hiện của người dân và Công an, khi gây án, đối tượng đã dùng khăn tắm bịt kín mặt.

Chị Thảo chia sẻ: "Đối tượng rất hung hăng, sau khi kề dao vào cổ, hắn bắt tôi vào buồng, lục lọi đồ đạc để kiếm tài sản giá trị. Lúc đó, tôi đang mang thai, tâm trạng rất sợ hãi, cứ van xin và làm theo những gì hắn sai khiến. Lấy tài sản xong hắn tẩu thoát...".

Tiếp nhận được tin báo, lãnh đạo CAH Nghĩa Hành đã triển khai các đội nghiệp vụ, tiến hành điều tra, xác minh. Qua các biện pháp nghiệp vụ, chỉ ngày hôm sau, CAH đã xác định thủ phạm thực hiện vụ cướp tài sản là đối tượng Phạm Ngọc Lâm (2001), là người ở cùng địa phương với nạn nhân. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, khi đó là Trưởng CAH Nghĩa Hành kể lại: "Tiếp nhận tin báo chúng tôi xác định đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm, cần phải triển khai nhanh các biện pháp nghiệp vụ, truy lùng đối tượng, không để sự việc làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ, chiến sĩ của Đội điều tra đã nhanh chóng tìm được đối tượng ngay trong ngày hôm sau".

Cảm kích trước sự nhiệt tình, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ CAH Nghĩa Hành, chị Thảo gửi thư cảm ơn đến CAH, trong thư chị viết có nội dung: Là một người dân, một người bị hại, tôi rất cảm kích, ghi nhận tinh thần trách nhiệm trong bắt nhanh đối tượng cướp của các anh Công an. Bản thân cũng như bà con nơi đây cảm thấy rất yên tâm khi vụ cướp được làm sáng tỏ, góp phần giải tỏa tâm lý hoang mang, đem lại sự bình yên cho xã nghèo miền núi.

Việc làm xuất phát từ trái tim

Đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15-11, ông Nguyễn Hồng Lạc (trú xã Phổ Vinh, H. Đức Phổ) bị sốt xuất huyết, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, song do số lượng tiểu cầu giảm xuống thấp, nguy hiểm đến tính mạng nên rất cần người có máu nhóm A để lọc tiểu cầu kịp thời cứu bệnh nhân; trong khi người thân gia đình ông Lạc không có ai cùng nhóm máu để cung cấp đủ số máu lọc tiểu cầu theo yêu cầu của bác sĩ.

Nhận tin, lãnh đạo CAH Đức Phổ thông báo đến các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có nhóm máu A cùng tham gia hiến máu cứu người. Qua sàng lọc, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã chọn Trung úy Huỳnh Văn Tiến và Trung úy Võ Thành Hiệp để lọc máu trực tiếp lấy tiểu cầu đảm bảo số lượng, kịp thời truyền cấp cứu cho ông Lạc. Hiện, ông Lạc đã qua cơn nguy kịch.

Trung úy Võ Thành Hiệp chia sẻ: "Nghe tin là chúng tôi lên đường ngay, việc cứu người là trên hết, nếu đặt mình vào vị trí của ông Lạc thì mới thấy điều đó cấp thiết như thế nào. Và, đó không chỉ là nhiệm vụ của một cán bộ, chiến sĩ Công an mà là việc làm xuất phát từ chính trái tim của mình".

Ths, Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận - khoa Huyết học bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết: "Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu là phương pháp chiết tách tiểu cầu của người hiến và một phần huyết tương, còn các tế bào máu khác được truyền trả lại người hiến. Người hiến tiểu cầu phải được khám và có những tiêu chuẩn lựa chọn riêng do tiểu cầu được chiết tách bằng máy. Thời gian hiến lâu và đòi hỏi người hiến phải có sức khỏe tốt".

Sau khi được cứu, ông Lạc đã gửi thư cảm ơn đến cán bộ, chiến sĩ CAH Đức Phổ, cảm kích trước tinh thần của 2 cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp cứu sống ông.

Năm 2019, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi đã nhận hàng trăm lời cảm ơn của nhân dân trong công tác đấu tranh với tội phạm và tinh thần trách nhiệm giúp dân. Qua những bức thư gửi lời cảm ơn sâu sắc ấy, chính là động lực, động viên tinh thần để các anh tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Văn Nam

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_217085_dong-luc-sau-nhung-la-thu-cam-on.aspx