Động lực phát triển

Hôm nay, đông đảo đại biểu tập thể, cá nhân đại diện cho toàn ngành Giáo dục về dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII tại Hà Nội.

Thầy và trò tại điểm trường Huổi Mới – Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An) bước vào măm học 2020-2010. Ảnh: Hồ Lài

Thầy và trò tại điểm trường Huổi Mới – Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An) bước vào măm học 2020-2010. Ảnh: Hồ Lài

Đại hội sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, biểu dương phong trào thi đua của toàn ngành giai đoạn 2016 - 2020 và tuyên dương khen thưởng tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong 5 năm qua; tập thể, cá nhân điển hình, xuất sắc; tổ chức giao lưu với các điển hình tiên tiến. Đại hội sẽ cử đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Cách đây hơn 70 năm, ngày 27/3/1948, Trung ương Đảng đề ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai Chỉ thị một cách sâu rộng, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, chính thức phát động Cuộc vận động Thi đua ái quốc. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ” đến phong trào thi đua “Hai tốt” triển khai năm 1961, dù ở thời điểm nào, toàn ngành Giáo dục cũng sôi nổi thực hiện và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Từ nền tảng phong trào thi đua “Hai tốt” được phát động sâu rộng, kết hợp với cuộc vận động như “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… thời gian qua toàn ngành nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực dạy tốt học tốt, xây dựng hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân, cải thiện môi trường, văn hóa học đường, tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường PT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tự tin vào năm học mới. Ảnh: Kiều Giang

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Bộ GD&ĐT khởi xướng đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Từ phong trào thi đua này, toàn ngành có trên 100 nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sản phẩm được công nhận và hàng nghìn sản phẩm đoạt giải tại nhiều hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, quốc gia. Nhiều đề tài, sáng kiến được đưa vào áp dụng và nhân rộng trong học đường hiệu quả như mô hình “Thư viện xanh” (Yên Bái); “Nông trại trường em”, “Lớp học linh hoạt” (Hòa Bình); Giờ học xuyên biên giới (Phú Thọ)… Phong trào thi đua này kết hợp với phát triển các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”, đã làm bà đỡ cho các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp ở nhiều đơn vị, động viên, chia sẻ để đội ngũ nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phong trào thi đua yêu nước đang động viên nhân dân ta phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo… Những thành quả mà phong trào thi đua yêu nước đem lại đã đưa đất nước ta tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử dân tộc, làm cho “đất nước, xã hội, con người đều đổi mới”. Đẩy mạnh và thực hiện tốt các phong trào thi đua đã giúp toàn ngành đạt được những thành quả quan trọng trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 và chương trình, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Điển hình, thành quả của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tạo động lực phát triển, giúp toàn ngành vững bước tiến nhanh hơn trong giai đoạn tới, hoàn thành nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/dong-luc-phat-trien-fMIZcedMg.html