Động lực phát triển kinh tế thủy sản Cô Tô

Huyện Cô Tô là địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đạt kết quả khá tốt trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ 'Về một số chính sách phát triển thủy sản'.

Tiềm năng kinh tế biển của Cô Tô

Nhờ đó, từ 17 phương án đề xuất ban đầu của ngư dân, huyện lựa chọn được 7 phương án, tập trung hỗ trợ cho 3 phương án tối ưu nhất; qua đó 2 phương án đã được ngân hàng chấp thuận giải ngân vốn để đóng mới tàu. Đó là tàu vỏ gỗ 600CV, giá trị đầu tư 11 tỷ đồng của ông Phạm Văn Lai; tàu vỏ thép 822CV, giá trị đầu tư 18 tỷ đồng của ông Nguyễn Xuân Chiến (đều trú tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô), đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2016.

Đến thời điểm này, 2 con tàu trên không chỉ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho chủ tàu, việc làm cho một số lao động địa phương, mà còn thúc đẩy ngành khai thác thủy sản xa bờ của huyện, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Theo lãnh đạo huyện Cô Tô, tàu vận hành trên biển rất chắc chắn, mức tiêu hao nhiên liệu (xăng, dầu, điện, nước) thấp, công suất khai thác đạt cao. Quý I/2017, mỗi tàu ra khơi 6- 8 chuyến, tổng sản lượng thủy sản khai thác trên 15 tấn cá, tổng doanh thu trên 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi tàu lãi gần 900 triệu đồng.

Cô Tô có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế thủy sản, nhất là khai thác thủy sản xa bờ. Cô Tô cách vùng khai thác cá chung chỉ khoảng 20km, gần hơn từ 5-7 lần so với các địa phương khác trong tỉnh, càng gần hơn so với các tỉnh khác. Các tàu khai thác của Cô Tô có thể đến ngư trường sớm hơn để đón được các đàn cá lớn và cũng trở về sớm hơn để bảo quản sản phẩm tươi ngon, bán được giá.

Do quãng đường vận chuyển ngắn, chi phí vận hành của các tàu cá Cô Tô nhỏ hơn rất nhiều so các tàu đánh bắt, vận chuyển từ các vùng khác đến, từ đó tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, trước đây hoạt động khai thác thủy sản Cô Tô chưa được phát huy đúng mức. Trước thời điểm có tàu đóng theo Nghị định số 67, huyện có khoảng 120 tàu khai thác thủy sản; trong đó có trên 100 tàu công suất dưới 60CV chỉ có thể khai thác gần bờ, 14 tàu công suất trên 90CV có khả năng khai thác ở ngư trường xa, song đều không tham gia khai thác thủy sản, mà chỉ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá.

Bởi vậy, mặc dù phát triển kinh tế thủy sản, trọng tâm là khai thác thủy sản xa bờ, là một trong những định hướng phát triển kinh tế của Cô Tô, song một thời gian dài huyện đều không đạt mục tiêu về sản lượng, giá trị thủy sản.

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định 67 đã và đang khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo nên phong trào khai thác thủy sản xa bờ trên địa bàn huyện Cô Tô. Ngư dân Cô Tô được đánh giá rất có kinh nghiệm đi biển, đánh bắt thủy hải sản; có tiềm lực về kinh tế, hoàn toàn có khả năng đối ứng các dự án đóng mới các phương tiện khai thác vỏ gỗ, vỏ sắt có giá trị đầu tư lớn từ 10-20 tỷ đồng.

Phát huy thế mạnh của một huyện đảo, Cô Tô đang tiếp tục đồng hành hỗ trợ ngư dân xây dựng và triển khai thêm 3 phương án xin đóng mới tàu khai thác thủy sản theo Nghị định số 67. Đây tiếp tục là động lực để phát triển kinh tế thủy sản, góp phần xây dựng Cô Tô thực sự là vùng biển đảo giàu, đẹp.

Hoa Việt

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dong-luc-phat-trien-kinh-te-thuy-san-co-to-post207362.html