Động lực mới

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken đã thực hiện chuyến công du Trung Đông nhằm thể hiện sự quan tâm trở lại của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn đối với nỗ lực tháo gỡ cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Sứ mệnh của ông A.Blin-ken là vừa khẳng định sự ủng hộ đối với Nhà nước Do thái, vừa đưa Mỹ trở lại vị trí trung tâm trong vai trò trung gian cho tiến trình hòa bình ở khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken đã thực hiện chuyến công du Trung Đông nhằm thể hiện sự quan tâm trở lại của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn đối với nỗ lực tháo gỡ cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Sứ mệnh của ông A.Blin-ken là vừa khẳng định sự ủng hộ đối với Nhà nước Do thái, vừa đưa Mỹ trở lại vị trí trung tâm trong vai trò trung gian cho tiến trình hòa bình ở khu vực.

Ngay sau khi tới Giê-ru-xa-lem, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã gặp Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu. Ông A.Blin-ken khẳng định ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin nếu các điều kiện thích hợp được đáp ứng. Đáng chú ý, Bộ trưởng A.Blin-ken thông báo rằng, Mỹ sẽ thúc đẩy vấn đề mở cửa lại Lãnh sự quán tại Đông Giê-ru-xa-lem và tăng cường quan hệ với Chính quyền Pa-le-xtin (PA). Sau cuộc gặp Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát tại thành phố Ra-ma-la ở khu Bờ tây, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thông báo, chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn sẽ đề nghị Quốc hội thông qua khoản viện trợ kinh tế và phát triển trị giá 75 triệu USD cho người Pa-le-xtin. Đây được coi là sự bảo đảm của Mỹ nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa I-xra-en và Phong trào Ha-mát, lực lượng đang kiểm soát dải Ga-da của Pa-le-xtin.

Những thông báo mới từ người đứng đầu ngành ngoại giao cho thấy cách tiếp cận hoàn toàn đảo ngược của chính quyền Mỹ hiện nay so với chính quyền tiền nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Đ.Trăm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Trước đó, Mỹ đã công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en, “bật đèn xanh” cho I-xra-en sáp nhập vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin ở Bờ tây, cắt giảm các khoản đóng góp cho quỹ viện trợ Pa-le-xtin, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào bế tắc. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống G.Bai-đơn lên nắm quyền, chính quyền mới tại Mỹ đã có những động thái thể hiện ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó có thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem. Nỗ lực của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn là đưa Mỹ trở lại vai trò trung gian cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin.

Trong cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài 11 ngày vừa qua ở dải Ga-da, Mỹ kêu gọi chấm dứt xung đột, song vẫn luôn tuyên bố ủng hộ quyền tự vệ “chính đáng” của I-xra-en, bất chấp các vụ không kích từ phía quân đội I-xra-en gây thương vong cho dân thường ở dải Ga-da. Bỏ qua lời kêu gọi của các nước thành viên khác trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ sử dụng tư cách Ủy viên thường trực HĐBA để phản đối việc thông qua một tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Trong chưa đầy hai tuần xảy ra bạo lực ở dải Ga-da, HĐBA đã nhóm họp nhiều lần, song không thể tìm được tiếng nói chung do sự phản đối của Mỹ.

Dưới nỗ lực trung gian của Ai Cập và các nước trong khu vực, lệnh ngừng bắn đang được duy trì để cho phép hàng cứu trợ tới Ga-da. Bộ trưởng Ngoại giao Gioóc-đa-ni đã tới Ra-ma-la gặp Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát. Các quan chức hai nước đã thảo luận về sự liên hệ ngoại giao giữa PA, LHQ và Mỹ trong vấn đề phối hợp tái thiết dải Ga-da. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Đ.Ra-áp cũng có chuyến thăm Trung Đông để kêu gọi chấm dứt bạo lực giữa I-xra-en và Pa-le-xtin thông qua giải pháp hai nhà nước.

Tình hình tại Ga-da đang yên tĩnh trở lại, song lệnh ngừng bắn giữa I-xra-en và Phong trào Ha-mát vẫn hết sức mong manh. Bạo lực có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu chưa tìm được giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng kéo dài trong quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.

Hà Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/dong-luc-moi-647935/