Động lực mới cho phục hồi kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Sau hàng chục vòng đàm phán và thảo luận kéo dài trong 8 năm, trưa 15-11, các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Từ đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào tới các nhà lãnh đạo ASEAN và 5 nước đối tác trong lễ ký RCEP. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Từ đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào tới các nhà lãnh đạo ASEAN và 5 nước đối tác trong lễ ký RCEP. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

RCEP được khởi động vào tháng 11-2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và 6 quốc gia đối tác gồm: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - những quốc gia đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN. RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỉ USD và hơn 2,3 tỉ người. Mục tiêu của RCEP là hài hòa các mạng lưới FTA “ASEAN +1” hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại duy nhất và gắn kết cho khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, RCEP là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất từng được ký kết.

Một thỏa thuận lớn như vậy đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm của các bên tham gia. Để có được thành quả này, RCEP đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, trong đó có xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại leo thang khiến nhiều nước muốn từ bỏ chiến lược tự do hóa thương mại. Ngay trong nội bộ các thành viên cũng có sự khác biệt về xuất phát điểm và đàm phán phải đối mặt với nhiều bất đồng khó giải quyết, như vấn đề thuế quan. Các số liệu cho thấy nền kinh tế RCEP giàu có nhất có thu nhập quốc dân tính theo đầu người gấp tới 48 lần quốc gia nghèo nhất trong khu vực. Chính sự khác biệt trong các chính sách, lợi ích, chênh lệch trong năng lực cải cách và trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên, khiến quá trình đàm phán trở nên khó khăn và phức tạp dù tất cả đều hướng tới một hiệp định thương mại tự do toàn diện và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Ấn Độ, một trong những thành viên sáng lập đầu tiên, đã tuyên bố rời khỏi RCEP từ năm 2019 do lo ngại hàng hóa giá rẻ từ bên ngoài sẽ tràn ngập thị trường nội địa, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thương mại, cũng như lo ngại vấn đề bảo vệ các lĩnh vực nông nghiệp và sữa. Giờ đây, dịch COVID-19 còn buộc các cuộc đàm phán phải chuyển sang hình thức cuộc họp trực tuyến từ tháng 4 năm nay, một phương thức đàm phán phi truyền thống về ngoại giao thương mại lần đầu tiên được thực hiện trên thế giới.

Tuy nhiên, chính sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực của COVID-19 đến các nền kinh tế khu vực lại trở thành động lực để các bên nhanh chóng hội nhập và ký kết hiệp định với mong muốn sớm phục hồi từ cuộc suy thoái hiện nay. Trải qua nhiều khó khăn, lãnh đạo 15 nước thành viên đã hoàn tất đàm phán trên văn bản cho tất cả 20 chương của hiệp định và các vấn đề tiếp cận thị trường.

Dù thiếu vắng Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước trong khu vực - khiến hiệp định chưa thực sự trọn vẹn, song RCEP vẫn là công cụ được kỳ vọng giúp khởi động sự phục hồi kinh tế khu vực thời kỳ hậu COVID-19 bởi đây là một thỏa thuận bao trùm. RCEP gồm hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn của khu vực và được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển riêng của các nước này. Đó là một lợi thế lớn của RCEP so với một hiệp định thương mại lớn khác của khu vực là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - không bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc hay toàn bộ các nền kinh tế thuộc ASEAN. Thông qua việc cung cấp một bộ quy tắc tiêu chuẩn và minh bạch cho khu vực trên các lĩnh vực đa dạng như thực tiễn thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ với các điều khoản cao hơn mức tối thiểu hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), RCEP sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư dễ dàng thông suốt, các công ty phát triển chuỗi giá trị khu vực dễ dàng hơn.

Sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, cũng như những cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới, gắn kết vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, thay vì chỉ tập trung vào việc mở cửa thị trường song phương với các đối tác chủ chốt.

Một khi được thực thi, hiệp định toàn diện và chất lượng cao như RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu. Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới 1,4%.

Ngoài những lợi ích về kinh tế, hiệp định đã phản ánh nỗ lực của ASEAN trong việc hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và cam kết về thương mại tự do, đồng thời gửi đi thông điệp phản đối chủ nghĩa bảo hộ và giúp thúc đẩy lòng tin vào toàn cầu hóa. Việc thực hiện RCEP chính là đóng góp thiết thực của ASEAN và các đối tác vào việc củng cố và cải tiến hệ thống thương mại đa phương công bằng, dựa trên luật lệ.

Thỏa thuận còn là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm ASEAN và khả năng gắn kết của khối 10 thành viên này với các nền kinh tế khu vực. RCEP được khởi xướng, dẫn dắt và đi đến thành công là nhờ năng lực của ASEAN trong việc điều hành các mối quan hệ giữa thành viên và đối tác, cũng như tạo sự cân bằng lợi ích để tìm tiếng nói chung giữa các bên. Việc ký kết RCEP cũng một lần nữa khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào tạo lập cấu trúc thương mại mới khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do COVID-19, cũng như sự hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.

Không chỉ riêng ASEAN, RCEP còn góp phần đem lại sự thịnh vượng chung và an ninh chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy chính trị, khiến châu Á thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.

Tiến sĩ Chheang Vannarith - Chủ tịch Viện nghiên cứu Tầm nhìn châu Á - cho rằng thỏa thuận này có thể làm biến đổi toàn cảnh dòng thương mại và đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy các chuỗi cung ứng nội khối, tăng cường niềm tin trong giới kinh doanh, khiến khu vực hấp dẫn hơn cho các hoạt động đầu tư.

Cùng chung quan điểm trên, Jeffrey Wilson, chuyên gia thương mại thuộc trung tâm Perth USAsia, cho rằng trước những ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, RCEP sẽ là hiệp định thương mại khu vực quan trọng nhất từng được ký và sẽ làm thay đổi bản đồ kinh tế và chiến lược của khu vực.

Các nước thành viên khẳng định ý nghĩa của RCEP

Sau khi 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký RCEP, lãnh đạo nhiều nước đã khẳng định ý nghĩa của hiệp định này đối với kinh tế mỗi nước cũng hoạt động thương mại - đầu tư toàn khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Phủ Tổng thống Hàn Quốc mô tả sự kiện này là “kết quả quan trọng nhất” của Chính sách hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, nhằm cải thiện mối quan hệ chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á và cũng là cơ hội để Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế “đi đầu”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì nói rằng việc ký kết RCEP không chỉ là một thành tựu quan trọng mang tính bước ngoặt trong hợp tác khu vực Đông Á, mà còn là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham đánh giá cao ý nghĩa của RCEP, nêu rõ “đây là một thỏa thuận có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu”.

ĐẶNG ÁNH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dong-luc-moi-cho-phuc-hoi-kinh-te-chau-a-thai-binh-duong-a127461.html