Động lực mới cho du lịch Việt Nam

Cuối tháng 12-2018, ngành du lịch Việt Nam vui mừng đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu. Lễ đón vị khách đặc biệt này diễn ra trong khí thế đang lên của ngành du lịch khi 3 năm liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới.

Đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu

Năm 2018, du lịch Việt Nam đã ước đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Nhìn từ các địa phương cũng thấy rằng, khí thế làm du lịch, lấy du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trở nên mạnh mẽ hơn. Nhiều địa phương đã đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy đầu tư để du lịch phát triển. Tiêu biểu hơn cả là tỉnh Quảng Ninh, địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018 với chủ đề “Hạ Long-Di sản, kỳ quan-Điểm đến thân thiện”. Quảng Ninh đáp ứng hàng loạt sự kiện quan trọng, thu hút hàng triệu du khách cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng về chính sách thu hút đầu tư, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… từ nhiều năm trước.

Ngày 19-12-2018, ngành du lịch tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam theo tàu Celebrity Millennium, tham quan vịnh Hạ Long.

Du lịch trong thời gian tới liệu sẽ có những bước đột phá? Ngành du lịch đã có kế hoạch nào để tạo ra những bước đột phá thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, nhanh hơn, chất lượng cao hơn? Chúng ta có thể nhìn vào lễ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu để đoán ra phần nào. Vị khách quốc tế thứ 15 triệu là người Mỹ, vị khách thứ 14.999.999 là người Bỉ và vị khách thứ 15.000.001 đến từ Nhật Bản. Đây đều là những thị trường trọng điểm Việt Nam đang hướng đến. Đó là những thị trường có nhiều khách yêu quý Việt Nam, thích đến Việt Nam và họ thường là những vị khách có chi tiêu lớn, lưu trú dài ngày. Đoàn khách đến Việt Nam trên con tàu Celebrity Millennium, một trong những tàu khách hạng sang hàng đầu thế giới, cũng là một hướng đi mới mà chúng ta hướng đến.

Lần đầu đoạt giải thưởng du lịch

Thời gian qua ghi dấu các tập đoàn, công ty, nhà đầu tư chiến lược từ Nam chí Bắc góp phần làm thay đổi bộ mặt du lịch Việt Nam. Những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch cao cấp… mang dấu ấn của những tập đoàn như: Vin Group, Sun Group, Mường Thanh… có cơ sở hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, cải thiện chất lượng du lịch Việt Nam. Chắc chắn, khách du lịch sẽ đến nhiều hơn. Một phần nhờ cải thiện chất lượng điểm đến, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, du lịch Việt Nam liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng du lịch danh giá, uy tín. Trong đó, lần đầu tiên chúng ta được trao tặng giải thưởng Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới-World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Úc năm 2018 cho thấy hình ảnh của Việt Nam đang dần thay đổi trong mắt bạn bè quốc tế.

Hàng loạt chính sách mới

Thành công của du lịch Việt Nam còn thấy khá rõ khi những chỉ tiêu được đặt ra trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cơ bản đã hoàn thành từ năm 2017. Ngành du lịch đang gấp rút hoàn thiện nội dung Đề án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa. Các đề án trọng điểm của du lịch Việt Nam cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025… Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang dần khẳng định định hướng đúng đắn của chúng ta.

Cùng với đó, Việt Nam vẫn tiếp tục hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN là hội nghị luân phiên được tổ chức hằng năm giữa các thành viên sẽ diễn ra vào tháng 1-2019 tại Hạ Long được kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi tốt đẹp. Tại đây, bộ trưởng các nước đánh giá lại du lịch ASEAN để có giải pháp thu hút khách đến. Khi ấy, không phải khách đến một quốc gia mà sẽ đến cả khối, khách đến một nước sẽ đến cả khu vực. Nhân đó, chúng ta có cơ hội quảng bá Việt Nam là điểm đến đẹp, thân thiện, an toàn.

Bên cạnh những kỳ vọng, du lịch Việt Nam không nên "ngủ quên" trên chiến thắng. Chúng ta vẫn còn những “điểm nghẽn” cần sớm được giải quyết. Đó là vấn đề quản lý điểm đến, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho du khách, tour 0 đồng... Việt Nam cần chuẩn bị những tâm thế khác để đón khách. Đó là chúng ta phải có cơ sở vật chất đúng chuẩn, phải có những sản phẩm du lịch đúng tầm và quan trọng nữa là dịch vụ và những người cung cấp dịch vụ thật chuyên nghiệp. Những thứ đó, du lịch Việt Nam không những phải làm nhanh mà phải làm cùng lúc với nhiều giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, chứ không riêng của ngành du lịch.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/dong-luc-moi-cho-du-lich-viet-nam-559453