Động lực làm giàu của nông dân

Nòng cốt là tạo công ăn việc làm, phát huy hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hội viên giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, ngày càng nhiều hộ nông dân có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế. Đây là một trong những kết quả đáng mừng, mở ra niềm hy vọng một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hơn.

Khi thu nhập đạt 1 tỷ đồng/năm

Con số thu nhập 1 tỷ đồng/năm đối với nhiều hộ nông dân hiện nay không còn là mục tiêu xa vời. Các lĩnh vực mang lại thu nhập tiền tỷ cho hội viên nông dân tập trung ở lĩnh vực trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Có thể kể đến hộ ông Trần Văn Hậu, chủ HTX Nông trang (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên) là một trong những người tiên phong trong xây dựng thương hiệu cam Vân Đồn gắn với đảm bảo VSATTP. Với thu nhập bình quân đạt 1,2 tỷ đồng năm, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, lương trung bình 7 triệu đồng/tháng/người. Hay như trường hợp của hộ ông Nguyễn Đình Giang, xã Sơn Dương, TP Hạ Long tập trung phát triển các cây lâm nghiệp, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động, giúp đỡ 5 hộ vươn lên thoát nghèo.

Nuôi tôm theo hình thức công nghiệp tại khu nuôi tôm của gia đình ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh cho nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người dân. (Ảnh: Cao Quỳnh)

Nuôi tôm theo hình thức công nghiệp tại khu nuôi tôm của gia đình ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh cho nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người dân. (Ảnh: Cao Quỳnh)

Còn ở Móng Cái, có lẽ trong nuôi tôm không ai không biết đến hộ ông Bùi Văn Trình, xã Vạn Ninh. Với sự chăm chỉ, đầu tư công nghệ, gia đình ông Trình đã thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm từ việc nuôi tôm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động. Không những thế, hằng năm ông còn giúp đỡ, tạo việc làm cho 55 lao động; giúp 26 hộ nghèo, khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật tham gia nuôi trồng tôm, ổn định kinh tế.

Sự phát triển của các hộ dân này là động lực cho nông dân trong tỉnh đồng lòng sản xuất, phấn đấu nâng cao thu nhập trong những năm sắp tới. Các hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng cũng ngày càng nhiều. Đặc biệt giai đoạn 2013-2018, phong trào tuy không tăng về số lượng nhưng đi vào thực chất, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng cao mức thu nhập. Năm 2015, số hộ đạt mức thu nhập từ 451 triệu đến dưới 1 tỷ đồng là 3.762 hộ, thì đến năm 2019, số hộ đạt gần 6.500 hộ, tăng gần 1,5 lần. Các hộ SXKD giỏi đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tích cực giúp đỡ, trợ giúp kỹ thuật, cây giống, con giống cho những hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tự nguyện hiến đất và ủng hộ kinh phí xây dựng các quỹ ở địa phương.

Nâng cao thu nhập cho hội viên

Bên cạnh việc giúp nhau làm kinh tế giỏi của các hội viên nông dân thì Quỹ HTND được coi là "bạn đồng hành", “cứu cánh” giúp các hội viên mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong năm 2019, Quỹ đã cho vay gần 38 tỷ đồng cho hơn 1.200 hộ vay, triển khai 161 dự án phát triển sản xuất trên toàn tỉnh.

Ông Đào Thanh Lưỡng, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thu nhập của nông dân là mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch năm 2020. Mục tiêu của tỉnh là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 43,7 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, bám sát vào chỉ đạo đó, HND nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp, hiện thực hóa mục tiêu trên. Trong đó, coi việc phát triển Quỹ HTND là một trong những giải pháp hữu hiệu.

Hội viên HND thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà chia sẻ kinh nghiệm trồng táo.

Thời gian tới HND tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Hội sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành quỹ các cấp; tiến hành công tác kiểm tra theo kế hoạch tại các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh; thực hiện công tác cho vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng các dự án vay vốn, xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN, kịp thời lập kế hoạch, luân chuyển dự án thu hồi, không để tồn đọng vốn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các hộ có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình trong các lĩnh vực sản xuất cho người vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Đồng thời, HND tỉnh đặt mục tiêu phối hợp dạy nghề cho hơn 2.000 lao động nông thôn; trong đó, tỷ lệ có việc làm đạt 70% trở lên. Bên cạnh đó, 100% HND cấp huyện tổ chức các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân. Ít nhất 70% hội viên nông dân được tiếp cận kiến thức cần thiết về kỹ năng, thông tin, thị trường, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202001/dong-luc-lam-giau-cua-nong-dan-2467736/