Động lực để điện ảnh Việt vươn tầm quốc tế

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 với chủ đề 'Điện ảnh - nhân văn, thích ứng và phát triển' được tổ chức từ ngày 8/11 đến ngày 12/11 trong bầu không khí nồng nhiệt và hiếu khách của khán giả Thủ đô. Đây là sự kiện điện ảnh đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh quốc tế và Việt Nam đang dần phục hồi sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (ngoài cùng bên trái) chỉ đạo một cảnh quay trong phim "Hoa nhài". (Ảnh Cục Điện ảnh)

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (ngoài cùng bên trái) chỉ đạo một cảnh quay trong phim "Hoa nhài". (Ảnh Cục Điện ảnh)

Sau sáu kỳ tổ chức, đến nay Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 tiếp tục khẳng định là một liên hoan phim trẻ, năng động, đã có những kinh nghiệm để tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam và đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt Nam. Cùng với quy mô và hình thức dần hoàn thiện, Liên hoan phim tạo được dấu ấn riêng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội thu hút hơn 800 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự, 123 bộ phim của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ được chiếu trong năm ngày diễn ra Liên hoan phim, cùng nhiều hoạt động khác như: Hội thảo, triển lãm, chợ dự án sản xuất phim, chiếu phim ngoài trời, giao lưu nghệ sĩ đoàn làm phim với khán giả, tham quan Hà Nội...

Điểm nhấn quan trọng của Liên hoan chính là 123 bộ phim tham dự các chương trình: Phim dự thi, Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, Phim Việt Nam đương đại... được trình chiếu ở các cụm rạp tại Hà Nội, Bắc Ninh và chương trình chiếu phim ngoài trời đã đem đến cho công chúng yêu điện ảnh một bữa tiệc phim đặc sắc. Nhiều phim tham dự Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 là những tác phẩm đã tham gia hoặc giành giải thưởng tại các liên hoan phim uy tín thế giới.

Đây cũng là cơ hội cho nhiều khán giả Thủ đô lần đầu được xem các bộ phim nổi bật của điện ảnh thế giới lần đầu ra mắt tại Việt Nam. Đề tài phim khá đa dạng (gia đình, tình yêu, lối sống, chiến tranh, hậu chiến, thiên nhiên, môi trường, khát vọng con người...) cùng sự đa dạng của thể loại phim (phim truyện, tài liệu, hoạt hình…) cho thấy bức tranh toàn cảnh của điện ảnh quốc tế và trong nước đã có sự đổi thay sau đại dịch Covid-19.

Với những chia sẻ thiết thực của các khách mời và đại biểu, hai cuộc Hội thảo "Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc" và "Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa" đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho điện ảnh Việt Nam và kỳ vọng điện ảnh Việt nắm bắt tốt để vươn xa.

Chợ dự án sản xuất phim (HANIFF 2022) cũng đã tìm ra những dự án xuất sắc để trao các giải thưởng xứng đáng nhằm khích lệ những nhà làm phim trẻ tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật. Năm nay, với chủ đề "Bối cảnh quay phim là các di tích, di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội", hoạt động triển lãm tại Liên hoan phim đã giới thiệu hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống văn hóa, yêu chuộng hòa bình và ngày càng phát triển.

Ban Tổ chức đã trao 12 giải thưởng cho các bộ phim, diễn viên, đạo diễn xuất sắc. Trong đó, Giải Phim dài xuất sắc nhất được trao cho bộ phim "Paloma" của Brazil. Giải Phim ngắn xuất sắc nhất thuộc về bộ phim "Khu rừng của Páo" của Việt Nam. Giải Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất được trao cho đạo diễn Hamid Reza Ghorbani phim "Ghép tủy" (Bone Marow) của Iran.

Giải Diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất được trao cho diễn viên Kiki Sena, trong phim Paloma (Brazil). Giải Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất được trao cho dàn diễn viên của bộ phim Maariya (Srilanka) gồm: Mahendra Perera, Priyantha Sirikumara, Hemal Ranasinghe, Darshan Dharamaraj, Ashan Dias, Suran Dissanayaka, Dasun Patirana. Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài được trao cho phim "Người phụ nữ trên tầng áp mái" (Woman on the Roof), phim của Ba Lan và Thụy Điển. Giải Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất thuộc về đạo diễn Surya Shahi, phim "Những bánh xe buýt" của Nepal.

Giải Mạng lưới khuyến khích phát triển điện ảnh châu Á (Netpac) được trao cho phim "Kẻ phản diện" của Philippines và phim "Ghép tủy" của Iran. Ban Tổ chức cũng trao giải Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất trong Chương trình Phim Việt Nam cho bộ phim "Bố già" (Việt Nam). Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng bằng khen phim có nội dung đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố cho Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh, đạo diễn bộ phim "Hoa nhài"- phim dài duy nhất của Việt Nam tham dự Liên hoan phim lần này.

Trong cuộc giao lưu thuộc khuôn khổ Liên hoan phim, nhà phê bình điện ảnh người Mỹ Mark Schilling, thành viên Ban Giám khảo Phim dài nhấn mạnh, nhìn chung, các bộ phim châu Á muốn tiếp cận thị trường quốc tế là rất khó và đó cũng luôn là nỗi trăn trở của các nhà làm phim. Ngành điện ảnh Mỹ vốn rất đặc thù, mang đậm tính nội địa cho nên có thể đó không phải là một thị trường để các nhà làm phim trẻ bắt đầu.

Dù vậy, vẫn có những ngoại lệ, chẳng hạn thể loại phim Hoạt hình có thể thu hẹp rào cản văn hóa giữa các quốc gia. Ông thẳng thắn chia sẻ, dù đã nghiên cứu sâu về điện ảnh châu Á, nhưng vẫn chưa biết nhiều về các bộ phim của Việt Nam cũng như điện ảnh Việt Nam.

Nhà phê bình điện ảnh, nhà sử học người Pháp Max Tessier trong vai trò thành viên Ban Giám khảo Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim chia sẻ, ông ấn tượng với bộ phim "Hoa nhài" của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Theo ông, đó là một bộ phim hay, giản dị, đem lại nhiều cảm xúc. Đạo diễn Đặng Nhật Minh là người nhiều kinh nghiệm và phong cách làm phim của ông thường hướng tới những câu chuyện thường nhật, chú trọng vào từng nhân vật đời thường, khiến khán giả xúc động.

Điện ảnh luôn phản ánh sống động các khía cạnh của đời sống, xã hội từ đạo đức, nếp nghĩ, lối sống, ngôn ngữ, chữ viết, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật... qua đó, có những đóng góp tích cực trong quảng bá về giá trị văn hóa, di sản đến với công chúng, thúc đẩy du lịch phát triển. Đó là khẳng định chung của nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo "Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa" trong khuôn khổ Liên hoan phim.

Các chuyên gia nhấn mạnh, thông qua các cách thức biểu đạt khác nhau, trong các tác phẩm điện ảnh, giá trị văn hóa di sản, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực được xuất hiện tự nhiên, tinh tế, sâu lắng, sống động, khơi gợi sự tò mò, khám phá và trải nghiệm của người xem. Điện ảnh các quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đã rất hiệu quả và đó là kinh nghiệm quý, là động lực để điện ảnh Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Mai Lữ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-luc-de-dien-anh-viet-vuon-tam-quoc-te-post725937.html