Động lực để địa phương thoát nghèo

'Nhờ có Xưởng 265 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) tặng tôn làm mái che sân Nhà văn hóa Xóm 1, nên người dân chúng tôi mới có chỗ để sinh hoạt văn hóa tinh thần bất kể mưa nắng'. Ông Nguyễn Thọ Thuệ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) khẳng định với chúng tôi như vậy.

Xưởng 265, thành lập và đứng chân trên mảnh đất Nghĩa Thuận từ đầu năm 1990. Lúc đó, ông Nguyễn Thọ Thuệ là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận. Ngay từ những ngày đầu đến với mảnh đất nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ, cán bộ, chiến sĩ Xưởng 265 đã để lại hình ảnh đẹp đối với người dân nơi đây. Đó là vào cuối những năm 1990, theo nguyện vọng của người dân địa phương, UBND xã quyết định xây dựng tượng đài liệt sĩ làm nơi tổ chức hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ. Nhưng cái khó đối với lãnh đạo xã là chưa biết xây dựng tượng đài theo hình mẫu nào. Hiểu được khó khăn của địa phương, cấp ủy, chỉ huy xưởng đã thống nhất hỗ trợ phương tiện đưa đoàn công tác của xã đến các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh, để tìm hiểu nghiên cứu kích thước, cấu trúc các tượng đài. Nhờ vậy, tượng đài liệt sĩ của quê hương Nghĩa Thuận đã hoàn thành đúng tiến độ, trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng.

 Cán bộ, chiến sĩ Xưởng 265 giúp người dân xã Nghĩa Thuận xây nhà tình nghĩa.

Cán bộ, chiến sĩ Xưởng 265 giúp người dân xã Nghĩa Thuận xây nhà tình nghĩa.

Trước đây, Nghĩa Thuận là xã nghèo, trình độ dân trí chưa cao, thu nhập của người dân chủ yếu từ việc làm nông nghiệp, Đảng ủy, Ban giám đốc Xưởng 265 xác định làm tốt công tác dân vận-hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Qua đó để tăng cường tình đoàn kết quân dân, tạo "vành đai mềm" bảo vệ, giữ an toàn xưởng. Cấp ủy, chỉ huy xưởng xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác dân vận; thường xuyên cử cán bộ, tổ công tác đến từng xóm trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Cùng với đó, xưởng tích cực, chủ động tổ chức và tham gia cùng địa phương thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội.

Từ năm 2015 đến nay, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Xưởng 265 đã giúp nhân dân trên địa bàn hơn 1.000 ngày công nâng cấp, sửa chữa nhiều ki-lô-mét đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Đơn vị tặng quà người có công, người tàn tật, trẻ em mồ côi trên địa bàn; trao sách vở, quần áo tặng học sinh xã Nghĩa Thuận... với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhiều năm liền, Xưởng 265 là điển hình dân vận khéo của Cục Quân khí. Ông Cao Văn Bồi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận khẳng định: “Những năm qua, Xưởng 265 luôn chủ động giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới. Những việc làm nghĩa tình và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đơn vị là động lực to lớn để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng Nghĩa Thuận từ một xã nghèo thành điểm sáng về chính trị, kinh tế, văn hóa ở miền Tây xứ Nghệ”.

Bài và ảnh: VIỆT THÙY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/dong-luc-de-dia-phuong-thoat-ngheo-634747