Động lực của tăng trưởng

Bức tranh kinh tế 3 quý đầu năm 2018 nổi lên nhiều gam màu tươi sáng, trong đó phải kể đến tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được chiều mũi tên đi lên, bên cạnh đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội giao. Và một điểm sáng nữa không thể không nhắc đến, đó là chất lượng, mô hình tăng trưởng đã dịch chuyển dần sang chiều sâu.

Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KHĐT) công bố là minh chứng rõ nét cho bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng qua. Theo đó, 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Trong các trụ cột của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%. Khu vực dịch vụ tăng 6,89%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng lên tới gần 179 tỷ USD, tăng 15,4% và đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

Với những kết quả như vậy, giới chuyên gia kinh tế dự báo năm 2018 này sẽ hoàn thành 12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự báo 8 trong số 12 chỉ tiêu sẽ vượt kế hoạch và 4 chỉ tiêu hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Kết quả này đã và đang góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Quốc hội đề ra trước đó.

Đáng chú ý, những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng đã được trả lời bằng con số gần 100.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới chỉ trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2018, có đến 96.611 DN mới ra đời , tăng 2,8% về số lượng DN và tăng 6,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát và loại bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý nhằm gỡ bỏ những rào cản, gánh nặng thủ tục hành chính cho cộng đồng DN. Động thái này của Chính phủ đã được cộng đồng DN, giới chuyên gia kinh tế đánh giá cao khi mà chỉ trong vòng một năm qua, đã có hàng loạt điều kiện kinh doanh, giấy phép con được cắt giảm. Theo đó, hầu hết các bộ, ngành đều đã cắt giảm trên 50% thủ tục kinh doanh Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất cắt giảm 51,4% tổng số điều kiện kinh doanh. Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm 243/345 ĐKKD (chiếm hơn 70%).

Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó bãi bỏ 5/17 quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện; đơn giản hóa 43,7% trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh. Bộ này cho biết, đang tiếp tục rà soát để tiếp tục đề xuất bãi bỏ thêm quy định đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đáng chú ý, Bộ Công thương, một trong những đơn vị nắm giữ nhiều ngành nghề kinh doanh nhất cũng đã tiên phong trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con… Ngay khi nhận được chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công thương đã cắt giảm trên 55% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, góp phần không nhỏ vào mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

Việc thực hiện cắt giảm kịp thời các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành được cộng đồng DN đánh giá cao. Đáng chú ý, mới đây nhất, ngày 1/10/2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107 thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó hàng loạt các quy định khắt khe gây khó cho DN ngành gạo đã được gỡ bỏ. Giới chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, cùng với mục tiêu nâng cao giá trị gạo Việt, xây dựng thương hiệu, tạo vị thế cho gạo Việt trên thị trường quốc tế, thì động thái ban hành Nghị định 107 của Chính phủ thay thế Nghị định 109 là rất kịp thời để thực hiện mục tiêu này.

Cần phải nhắc lại, tất cả những động thái nói trên của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều với một mục tiêu chung là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng sức cạnh tranh cho cộng đồng DN, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa - khu vực kinh tế tư nhân. Bởi ai cũng biết, khu vực kinh tế tư nhân chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào nội lực nền kinh tế đó có mạnh hay không.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ vậy, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự bứt phá tăng trưởng kinh tế thời gian qua. Nhận định về bức tranh kinh tế với những điểm cải thiện của môi trường kinh doanh thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, số DN thành lập mới và giải ngân vốn đều tăng rất tốt… cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện, tạo điều kiện để huy động các nguồn lực từ kinh tế tư nhân, phù hợp với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Khu vực kinh tế này chắc chắn sẽ được khai thông nhiều nguồn lực hơn nữa và trở thành một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Như vậy, với những thành quả mà nền kinh tế đã đạt được trong 3 quý đầu năm 2018 cùng với những nỗ lực của nhà quản lý cũng như của cộng đồng DN, giới chuyên gia nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% trong năm 2018 do Quốc hội đề ra gần như đã nằm trong tầm tay. Hơn thế, nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/dong-luc-cua-tang-truong-tintuc419701