Động lực cho thành công

Hơn 130 nhà vô địch các bộ môn của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đang cảm thấy ấm lòng vì sự quan tâm, chăm sóc kịp thời của xã hội.

Đến thời điểm này, kỷ lục tiền thưởng cho thành tích cá nhân tại SEA Games 32 đang thuộc về Nguyễn Thị Oanh, VĐV điền kinh đoạt 4 HCV trên đất Campuchia, đồng thời nâng tổng số ngôi vô địch giành được qua 4 kỳ đại hội liên tiếp lên con số 12. Ngoài tiền thưởng HCV (45 triệu đồng /HCV) theo khung quy định, chân chạy nữ số 1 Việt Nam và Đông Nam Á còn nhận được một căn hộ, một ôtô của THACO cùng nhiều khoản thưởng khác từ UBND tỉnh Bắc Giang, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm khác..., tổng cộng xấp xỉ 3 tỉ đồng.

Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc nhận thưởng 500 triệu đồng cho tấm HCV bóng bàn .(Ảnh: ĐĂNG HẢI)

Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc nhận thưởng 500 triệu đồng cho tấm HCV bóng bàn .(Ảnh: ĐĂNG HẢI)

Tại SEA Games 32, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần thứ tư liên tiếp lên ngôi vô địch, kỳ tích "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử thể thao khu vực. Tuy vậy, có phần trầm lắng hơn những kỳ đại hội trước, tuyển nữ Việt Nam hiện mới chỉ nhận thưởng "nóng" khoảng 5,6 tỉ đồng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các đơn vị đồng hành. Trước đó, với thành tích giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup nữ 2023, đoàn quân của HLV Mai Đức Chung từng nhận thưởng bằng tiền mặt lẫn hiện vật trị giá đến khoảng 28 tỉ đồng.

Cách đây không lâu, sau SEA Games 30, giới truyền thông đã phải nhiều lần "nói hộ tiếng lòng" của rất nhiều VĐV các bộ môn, những người góp công mang về 96/98 HCV trên đất Philippines. Ngoài việc trông chờ vào mức thưởng theo quy định chung (HCV 45 triệu đồng, HCB 25 triệu đồng, HCĐ 20 triệu đồng, phá kỷ lục thêm 20 triệu đồng) từ nhà nước và tiền thưởng nóng từ đoàn TTVN ngay khi đoạt huy chương, các nhà vô địch của TTVN khi ấy hầu như chẳng có thêm khoản thưởng nào khác.

Tình hình đã khác đi rất nhiều sau khi cả xã hội vào cuộc, tạo động lực cho thành công trong tương lai của lực lượng VĐV-HLV. Tập thể đội tuyển điền kinh nhận thưởng 1 tỉ đồng của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam dù không bảo vệ được thành tích số 1 đại hội. Đội tuyển bóng chuyền nữ dù chỉ giành HCB nhưng cũng được nhận 300 triệu đồng tiền thưởng. Tấm HCV đôi nam nữ lịch sử giúp 2 tay vợt trẻ Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc nhận thưởng 500 triệu đồng từ ông bầu Đỗ Quang Hiển của CLB T&T bên cạnh mức thưởng 80 triệu đồng của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng nhận thưởng gần 200 triệu đồng từ tỉnh nhà Quảng Bình bên cạnh mức thưởng theo quy định. Kình ngư Trần Hưng Nguyên nhận thưởng 180 triệu đồng từ đơn vị chủ quản Quân đội, ngang với mức thưởng theo quy định cho 3 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Hiệp hội Golf Việt Nam tặng 50 triệu đồng cho VĐV Lê Khánh Hưng giành HCV đơn nam bên cạnh 200 triệu đồng của nhà tài trợ. Liên đoàn Karatedo Việt Nam và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cùng thưởng 12 triệu đồng cho HCV, 6 triệu đồng cho HCB và 4 triệu đồng cho HCĐ.

TP HCM lâu nay vẫn luôn đi đầu trong việc thu hút các tài năng thể thao nhờ ngân sách chi thưởng khá đậm cho thành tích thi đấu cũng như tặng "gói bảo trợ tài năng" nhận hằng tháng và kéo dài suốt một chu kỳ giải đấu (các giải vô địch 1 năm, SEA Games 2 năm, ASIAD và Olympic 4 năm). Giờ thì nhiều nơi đã học tập điều này và các VĐV bên cạnh việc nhận thưởng thành tích theo quy định còn được hỗ trợ gấp nhiều lần mức lương cơ sở, nhận trong vòng 2 năm.

Động lực cho thành công, chính là từ sự ghi nhận và đồng hành của cả ngành thể thao và xã hội đối với các VĐV tài năng.

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/dong-luc-cho-thanh-cong-20230523210443659.htm