Đồng lòng vì một thành phố xanh, sạch

Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh vừa phát động chương trình 'Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước'. Chương trình sẽ được thành phố liên tục duy trì thực hiện đến tháng 10-2020.

Một góc thành phố nhìn từ Bến Nhà Rồng.

Tại lễ phát động, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã kêu gọi người dân chung tay giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường bằng những việc làm đơn giản, thiết thực hằng ngày như: Không xả rác bừa bãi, không sử dụng túi ni-lông, dành 15 phút mỗi ngày để làm sạch khu vực trước nhà, vận động, tuyên truyền những người chung quanh cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hiện nay, ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại việc xả rác bừa bãi, tập kết rác thải không đúng nơi quy định. Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, thành phố sẽ tăng cường xử phạt các hành vi xả rác không đúng quy định, đồng thời hạn chế tối đa các điểm tập kết rác trong nội thành. Trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại không ít bãi rác tự phát, nhiều bãi rác hình thành ngay vỉa hè các tuyến đường, cạnh khu dân cư hay tại các khu đất trống, gây mất vệ sinh môi trường. Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn kém. Có tình trạng nhà này đẩy rác thải sang nhà khác, hoặc vứt rác tại các bãi đất trống để không phải đóng phí thu gom rác.

Nói về tình trạng xả rác bừa bãi tại một số nơi trên địa bàn thành phố hiện nay, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, nhất là hành vi xả rác. Nhiều nơi có lắp đặt thùng rác nhưng không ít người vẫn tiện tay vứt rác xuống đường. Hành vi này cần xử phạt thật nặng để răn đe.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 8.900 tấn rác thải sinh hoạt. Riêng những nơi công cộng phát sinh khoảng 2.300 tấn rác/ngày. Hộ gia đình, cá nhân là những đối tượng chủ yếu có hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hơn 450 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc bắt tận tay đối tượng xả rác để xử phạt rất khó và không khả thi. Tuy nhiên, hiện hầu hết các địa phương đã có ca-mê-ra giám sát an ninh, trật tự, giao thông trên địa bàn. Việc tận dụng mạng lưới ca-mê-ra này và cho phép địa phương sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống ca-mê-ra làm chứng cứ xử phạt là phù hợp với thực tế hiện nay. Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo UBND các quận, huyện đăng ký một hoặc hai điểm thường xuyên bị ô nhiễm môi trường do rác thải để tổ chức ra quân quét dọn, xử lý dứt điểm việc xả rác. Mỗi quận, huyện sẽ chọn một phường, xã để tổ chức ký kết với người dân về phương thức thu gom rác. Đồng thời, UBND các quận, huyện xây dựng đội xung kích tại mỗi phường, xã để thu gom rác của các hộ dân đổ rác sai quy định và đề xuất xử lý các trường hợp này.

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường hiện nay chưa đầy đủ, đồng bộ, trong khi lực lượng thường trực thực hiện chức năng kiểm tra, xử phạt còn mỏng. Vì vậy, thành phố sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác nơi công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng các địa bàn. Thành phố cho phép dùng hình ảnh trích xuất từ ca-mê-ra an ninh để “phạt nguội” các hành vi xả rác, phóng uế bừa bãi.

Đối với việc xử lý các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm, theo quy hoạch vị trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025, thành phố sẽ dừng hoạt động chín trạm hiện hữu, trong đó có trạm trung chuyển tạm tại phường Hiệp Thành (quận 12). Từ năm 2025 đến năm 2050, thành phố sẽ ngưng hoạt động, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với sáu trạm trung chuyển. Đồng thời, sẽ đầu tư xây mới hai trạm trung chuyển tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu quy hoạch xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh). Phát biểu tại lễ phát động chương trình “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhận định, không thể chỉ vài tháng là có thể thay đổi thói quen xả rác bừa bãi của nhiều người. Do đó, cuộc vận động này sẽ liên tục được thành phố duy trì trong nhiều năm, trước mắt là hai năm (từ tháng 10-2018 đến tháng 10-2020), sau đó sẽ tổ chức tổng kết. Việc thay đổi hành vi xả rác rất khó nhưng khi nhận thức sự cần thiết, có sự giám sát, động viên, lãnh đạo thành phố hy vọng sau hai năm tình hình sẽ có chuyển biến tích cực.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38035102-dong-long-vi-mot-thanh-pho-xanh-sach.html