Đồng lòng gỡ vướng, dẹp tận gốc ô nhiễm tiếng ồn

TPHCM đang mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn; với mục tiêu là trong năm 2021 sẽ chấm dứt ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư, địa điểm sinh hoạt công cộng. Ngay từ giữa tháng 3, các địa phương đã đồng loạt ra quân tuyên truyền người dân, cơ sở kinh doanh cam kết không gây tiếng ồn.

Đoàn kiểm tra quận Bình Thạnh nhắc nhở, tuyên truyền, buộc cơ sở kinh doanh ký cam kết không vi phạm tiếng ồn. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Đoàn kiểm tra quận Bình Thạnh nhắc nhở, tuyên truyền, buộc cơ sở kinh doanh ký cam kết không vi phạm tiếng ồn. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Vận động ý thức tự giác

Tối 16-3, Phòng TN-MT quận Bình Thạnh phối hợp với UBND phường 11 (quận Bình Thạnh) đến các quán cà phê, quán bia trên đường Phạm Văn Đồng để kiểm tra, nhắc nhở những trường hợp vi phạm tiếng ồn. Đây là những địa điểm kinh doanh thường xuyên mở nhạc lớn. Ngoài tuyên tuyền, nhắc nhở, đoàn cũng buộc các cơ sở kinh doanh ký cam kết đảm bảo sự yên tĩnh chung khi kinh doanh buôn bán. Theo ông Tạ Thanh Khiêm, Phó Trưởng Phòng TN-MT quận Bình Thạnh, từ nay đến hết tháng 5, quận sẽ đồng loạt vận động, tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, người dân, hộ gia đình thường xuyên hát karaoke, mở nhạc gây ồn ào cũng sẽ phải ký cam kết. Các trường hợp đã được nhắc nhở mà vẫn tái diễn thì từ đầu tháng 6-2021 sẽ xử phạt theo quy định.

UBND quận 1 cũng yêu cầu 10 phường kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp gây tiếng ồn. Trong đó, công an phường phải trực tiếp kiểm tra các nơi gây tiếng ồn và yêu cầu viết cam kết. Riêng các trường hợp kinh doanh, song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở, lực lượng chức năng lập biên bản ngay các trường hợp vi phạm.

Tại TP Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Hương Hiệp, Bí thư Đảng ủy phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) cho biết, công an phường đã triển khai quyết liệt việc chấn chỉnh tình trạng loa kéo gây tiếng ồn. Ngoài xử lý các trường hợp do người dân phản ánh, công an phường cũng tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn không gây tiếng ồn, nhất là không sử dụng loa ngoài trời để phát nhạc hoặc phục vụ việc hát hò. Đến nay, công an phường đã yêu cầu một số hộ dân trên đường 835 làm cam kết và nhắc nhở 2 trường hợp.

Tương tự, UBND phường Linh Trung (TP Thủ Đức) cũng chỉ đạo công an phường quyết liệt trong việc hạn chế tình trạng hát karaoke gây ồn ào. Đồng thời, phường cũng làm việc, yêu cầu chủ các khu nhà trọ, chủ nhà cho thuê kinh doanh quán ăn, nhà hàng ký cam kết, nhắc nhở khách thuê không được gây ô nhiễm tiếng ồn. Các phường khác thuộc TP Thủ Đức cũng chủ động kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp gây tiếng ồn trong khu dân cư, có nơi gắn nhiệm vụ nhắc nhở, xử lý các trường hợp gây tiếng ồn vào chỉ tiêu thi đua của công an khu vực. Cụ thể, nơi nào còn phát sinh tiếng ồn từ hát karaoke, loa kẹo kéo thì công an phụ trách khu vực đó sẽ bị hạ thi đua trong tháng.

Cần tăng thẩm quyền cho cơ sở

Từ tháng 6-2021, bước sang giai đoạn 2, các cơ quan chức năng tại TPHCM sẽ kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn. Từ thực tiễn xử lý vi phạm về tiếng ồn chưa thật sự hiệu quả trước đây, nhiều ý kiến cho rằng phải có giải pháp khả thi, hữu hiệu mới có thể “khai tử” nạn ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn TPHCM vào cuối năm 2021 như mục tiêu đề ra. Lãnh đạo một phường tại quận 1 cho rằng, việc xử phạt hiện còn nhiều khó khăn. Trong đó, máy móc, thiết bị đo tiếng ồn vẫn là rào cản trong công tác xử lý. Cụ thể, khi phường nhận được tin báo về điểm gây ồn hoặc qua công tác tuần tra phát hiện thì sẽ mời một doanh nghiệp độc lập, có thiết bị đo tiếng ồn đến đo để làm căn cứ xử phạt. Song, cái khó là nếu thời điểm đo, tiếng ồn vượt ngưỡng thì tiền phạt được sử dụng trả cho đơn vị tiến hành đo tiếng ồn. Nếu không vượt ngưỡng thì địa phương phải bỏ tiền ra trả.

Theo ông Tạ Thanh Khiêm, Phó Trưởng Phòng TN-MT quận Bình Thạnh, để xử lý triệt để tiếng ồn trong khu dân cư, cần nhất là tuyên truyền để tạo ý thức trong người dân. “Làm sao để người dân hiểu ra sai phạm và đồng hành cùng chính quyền thì mới có thể loại bỏ được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn như hiện nay. Thật sự để đo được tiếng ồn là rất khó, bởi khi có đoàn kiểm tra xuống thì các cơ sở kinh doanh đã điều chỉnh nhạc nhỏ lại rồi”, ông Khiêm chia sẻ.

Hiện nay, quận Bình Thạnh tiếp nhận phản ánh của người dân qua đường dây nóng 1022, từ đó kịp thời đến tuyên truyền, nhắc nhở các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Khiêm, bên cạnh các cơ quan chức năng thì kênh giám sát từ người dân là vô cùng quan trọng.

Dưới góc độ người dân, ông Nguyễn Sỹ Đại (quận Bình Thạnh) hiến kế: “Tôi nghĩ, nếu đã quyết liệt dẹp thì phải dẹp tận gốc. Đơn cử, nếu hát karaoke hoặc mở loa mà nhà bên cạnh quay phim và khi mở lại nghe rành mạch rõ ràng là đủ cơ sở phạt được. Nếu tái phạm thì cơ quan chức năng được phép thu luôn cả dàn loa. Việc xử phạt cũng cần phải công bằng giữa nhà dân với nhà hàng, các đơn vị kinh doanh. Khi chế tài không có rào cản, không có “vùng ưu tiên” thì mới đủ sức răn đe”.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TPHCM: Cần văn bản pháp luật riêng điều chỉnh ô nhiễm tiếng ồn

Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định mức khởi điểm để xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Mức cao nhất có thể lên đến 160 triệu đồng, nếu hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA. Còn theo Nghị định 167/2013, trường hợp vi phạm “gây tiếng động lớn trong khu dân cư” thì mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ.

Như vậy, hành vi ô nhiễm tiếng ồn đã có các văn bản xử phạt nhưng mỗi văn bản lại có mức định lượng, định tính khác nhau và mức xử phạt khác nhau. Áp dụng văn bản nào để xử phạt là không đơn giản vì có thể gây ra tranh cãi, khiếu nại. Vì vậy, cần có một văn bản pháp luật, ít nhất là nghị định của Chính phủ, thống nhất về ngưỡng, phương pháp xác định mức độ ồn, mức chế tài, thẩm quyền xử phạt… mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này. Trước mắt, để xử lý hành vi ô nhiễm tiếng ồn, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào trình báo của người bị ảnh hưởng và sự kiểm tra trực quan của người có chức trách làm cơ sở xác định hành vi nào thuộc chế tài của Nghị định 167/2013, hành vi nào áp dụng Nghị định 155/2016 (có mức xử phạt cao hơn).

Đà Nẵng mạnh tay với karaoke vỉa hè

Thời quan qua, nhiều địa phương của TP Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp tiếp nhận và xử lý nạn karaoke vỉa hè, karaoke tại gia gây ồn ào. Trong đó, từ tháng 7-2019, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) thành lập tổ phản ứng nhanh gồm lãnh đạo UBND phường, công an, quân sự, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố... Khi tiếp nhận thông tin từ người dân, tổ lập tức đến giải thích, nhắc nhở, thông báo kết quả thông qua mạng xã hội và tại các cuộc họp tổ dân phố. Sau 22 giờ mỗi ngày, UBND phường Nại Hiên Đông còn kết hợp tổ tuần tra xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Theo ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, khi chưa có văn bản hướng dẫn xử lý, xử phạt, phường thực hiện theo nhiều cách. Đối với cơ sở kinh doanh, phường sẽ đo tiếng ồn để có căn cứ xử phạt theo Nghị định 155/2016. Đối với khu dân cư, phường sẽ xử phạt theo hướng gây rối an ninh trật tự theo Nghị định 167/2013. Ngoài ra, phường cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân viết cam kết không tái phạm, nếu tái phạm thì có biện pháp xử lý nặng hơn.

Tuy nhiên, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông nhìn nhận, dù địa phương triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thậm chí nhiều trường hợp còn chống trả người thi hành công vụ. Trước thực tế này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan vào cuộc tuyên truyền, vận động để người dân không vi phạm. Từ ngày 1-6, Đà Nẵng sẽ xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

XUÂN QUỲNH

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dong-long-go-vuong-dep-tan-goc-o-nhiem-tieng-on-719868.html