Đồng lòng để thực hiện thành công

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025' là chương trình mới, đề cập đến những vấn đề xã hội, dân sinh, được nhân dân kỳ vọng, đánh giá cao. Phóng viên Báo Hànôịmới đã ghi lại những ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương với khẳng định sẽ đồng lòng, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra tại chương trình ý nghĩa này.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng

Nội dung, mục tiêu xuyên suốt của Chương trình số 08-CTr/TU là nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; coi nhân dân là mục tiêu, trung tâm của mọi chủ trương, đường lối của Đảng, qua đó giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội... Vì thế, việc triển khai chương trình này cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, khẩn trương.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu xây dựng các dự thảo nghị quyết về những nội dung có liên quan, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua. Ngoài ra, Sở sẽ cùng các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng các kế hoạch của UBND thành phố để có thể triển khai chương trình trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và Hà Nội để bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:
Tập trung vào 3 khâu đột phá

Thành phố Hà Nội có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp với 41 bệnh viện công, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 52 phòng khám đa khoa khu vực; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 3.953 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, 8.142 cơ sở dược... Trong năm 2020, ngành Y tế Thủ đô đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, trong đó, 579/579 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân tăng và đạt 27,1 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cũng tăng và đạt 13,5 bác sĩ/vạn dân...

Trong giai đoạn 2021-2025, để hiện thực hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục tập trung vào 3 khâu đột phá: Cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển những kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, phấn đấu đạt chỉ tiêu 30-35 giường bệnh/vạn dân và 15 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025. Ngoài ra, ngành Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng, liên thông dữ liệu gắn với hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử của người dân.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa:
Khẩn trương xây dựng dự thảo các kế hoạch

Theo Chương trình số 08-CTr/TU, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì triển khai 4 kế hoạch, nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đó là Kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch về việc thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Xác định rõ việc triển khai các kế hoạch nêu trên là giải pháp quan trọng để từng bước thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, tăng tính minh bạch, hấp dẫn của chính sách; đồng thời bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng cho người dân, nên ngay sau khi Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành, Bảo hiểm xã hội thành phố đã quán triệt nội dung chương trình đến đội ngũ cán bộ, nhân viên. Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng giao các phòng, ban chuyên môn xây dựng dự thảo các kế hoạch. Đầu tháng 4-2021, nội dung dự thảo các kế hoạch sẽ được xin ý kiến các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng để hoàn thiện, trình UBND thành phố ban hành.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung:
Đầu tư đồng bộ thiết chế thể thao ngoài trời

Nâng cao thể lực và tầm vóc thanh niên Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 08-CTr/TU. Đó là chủ trương đúng, giải pháp trúng để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; khuyến khích phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển, lan tỏa mạnh mẽ.

Trên thực tế, việc nâng cao thể lực và tầm vóc thanh niên nói riêng, của người dân nói chung luôn được quận Cầu Giấy quan tâm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung nguồn lực để phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế thể thao. Hiện tại, trên địa bàn quận có 113 sân chơi, sân thể thao; 8/8 phường có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, khu vui chơi cộng đồng; 5/8 phường có sân bóng đá hoạt động thường xuyên, phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân... Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, quận Cầu Giấy sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế thể thao ngoài trời để phục vụ nhu cầu của nhân dân một cách tốt nhất.

Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Nguyễn Hữu Thịnh:
Thu hẹp khoảng cách mức sống giữa thành thị, nông thôn, miền núi

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có xã Khánh Thượng rất phấn khởi khi Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội xác định sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030; đồng thời xác định nhiệm vụ: “Tập trung nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”. Việc triển khai thực hiện sẽ nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa thành thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Hiện xã Khánh Thượng đang tiến hành rà soát các chính sách về an sinh xã hội triển khai trên địa bàn, xác định rõ những kết quả đạt được cũng như vấn đề còn tồn tại, từ đó kiến nghị với cơ quan chức năng xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án của Chương trình số 08-CTr/TU sao cho đúng và trúng. Xã Khánh Thượng sẽ cụ thể hóa các nội dung Chương trình số 08-CTr/TU vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.

* Phát triển hệ thống an sinh xã hội

- Tỷ lệ thất nghiệp: Dưới 3%.

- Giải quyết việc làm: 160.000 lượt người/năm.

- Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 50%, trong đó tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 47%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 3%.

- Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 40%.

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 95%.

- Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

- Duy trì 100% người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; từng bước nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.

- 100% cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời.

- Duy trì 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí; từng bước mở rộng đối tượng học sinh thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% học phí.

- Số giường bệnh/vạn dân: 30-35; số bác sĩ/vạn dân: 15.

- Duy trì tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%.

- Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe: 100%.

* Nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân

- Tuổi thọ bình quân: 76,5 tuổi.

- Mức sinh thay thế: 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

- Người có công với cách mạng cơ bản có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

- Tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội: 55%.

- Xã, phường, thị trấn có Quỹ Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi: 100%.

- Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường: Từ 90% trở lên.

- Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%/năm.

- Duy trì tỷ lệ 100% người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của thành phố. Bổ sung đối tượng là nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo; thân nhân liệt sĩ; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng và trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được miễn tiền vé.

40 đề án, kế hoạch, nghị quyết thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU

Ban hành kèm theo Chương trình số 08-CTr/TU là phụ lục 38 tiêu chí, nhóm tiêu chí thuộc Chương trình số 08-CTr/TU và các chương trình khác của Thành ủy về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Ngoài ra, Chương trình số 08-CTr/TU có 40 đề án, chương trình, kế hoạch, nghị quyết dự kiến sẽ triển khai, trong đó nổi bật là:

- Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

- Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/994803/dong-long-de-thuc-hien-thanh-cong