Đồng lòng bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên Biển Đông

Các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế đã có những động thái mạnh mẽ đáp trả những hành động hung hăng, gây hấn làm căng thẳng tình hình Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua như liên tiếp tổ chức tập trận hay tập trung bất thường hàng trăm tàu dân binh.

Đội tàu dân binh Trung Quốc neo đậu trái phép gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đội tàu dân binh Trung Quốc neo đậu trái phép gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trung Quốc liêp tiếp “giễu võ giương oai” ở Biển Đông…

Giới chức Trung Quốc thông báo đơn phương cấm các tàu thuyền lưu thông qua khu vực biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trong 2 ngày 29 và 30 để “phục vụ diễn tập quân sự”. Trung Quốc không thông báo nội dung và lực lượng tham gia cuộc tập trận, nhưng hoạt động quân sự này diễn ra trong bối cảnh Biển Đông lại vừa nổi cơn sóng gió mới bởi những hành động được cho là leo thang căng thẳng của quốc gia này.

Cuộc tập trận trong 2 ngày 29 và 30 cũng là hoạt động quân sự mới nhất của Trung Quốc sau hàng loạt các cuộc diễn tập, tập trận thời gian qua ở Biển Đông. Đầu tháng 3 này, Trung Quốc từng tuyên bố bắt đầu cuộc tập trận quân sự kéo dài một tháng ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đơn phương cấm mọi tàu thuyền đi vào khu vực tập trận trong suốt cả tháng 3.

Không đưa những thông tin chi tiết về cuộc tập trận kéo dài cả tháng tại một khu vực thuộc Biển Đông, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chỉ phát các cảnh quay cho thấy tập trận diễn ra cả ngày và đêm, trong đó có sử dụng tên lửa tấn công các tàu nổi và máy bay. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc được CCTV dẫn lời cho biết, quân đội Trung Quốc đang tăng cường tập trận và các binh sĩ nước này phải đáp ứng những yêu cầu về hoạt động chung và thực chiến nhằm cải thiện năng lực chiến đấu.

Những cuộc diễn tập và tập trận liên tiếp của Trung Quốc không chỉ gây cản trở các hoạt động hàng hải và hàng không ở Biển Đông mà còn khiến tình hình tại đây thêm căng thẳng. Tờ The South China Morning Post (SCMP, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) cho rằng, các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc khiến căng thẳng trong khu vực leo thang.

Đáng chú ý, các cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông diễn ra cùng thời điểm nước này điều hàng trăm tàu dân binh biển tới tập trung bất thường tại bãi đá Ba Đầu nằm trong cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc biện minh rằng, đây là những chiếc tàu cá lánh nạn, song Philippines nêu rõ đó chính là lực lượng dân binh biển (PAFMM), một lực lượng thuộc quân đội Trung Quốc và thường xuyên bị chỉ trích vì vai trò xung kích trong hiện thực hóa yêu sách phi pháp về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.

Sự hiện diện bất thường trong thời gian cả tháng qua của hàng trăm tàu dân binh biển Trung Quốc khiến các quốc gia và khu vực liên quan tới Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền “5 nước 6 bên” (gồm: Brunei, Đài Loan, Malaysia Philippines, Trung Quốc và Việt Nam), quan tâm với sự lo ngại sâu sắc. Giới quan sát đã cảnh báo, việc tập trung này có thể mở đầu cho cho chiến dịch nhằm trong chiến thuật “vùng xám” mà Bắc Kinh từng thực thi để cưỡng chiếm các thực thể ở Biển Đông.

Những gì đang diễn ra ở bãi đá Ba Đầu nằm trong cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến người ta nhớ lại các sự kiện Trung Quốc theo chiến thuật “vùng xám”, dùng sức mạnh cưỡng chiếm đá Vành Khăn và bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào các năm 1995 và 2012. Những năm đó, bằng cách điều số lượng lớn tàu dân binh biển với sự hậu thuẫn của các tàu vũ trang khác nhằm gây hấn, răn đe đối với những tàu thuyền không phải của Trung Quốc, Bắc Kinh cuối cùng đã giành quyền kiểm soát trên thực tế các thực thể vốn thuộc quản lý trước đó của quốc gia khác ở Biển Đông.

Và phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực

Chính vì thế, các quốc gia khu vực, cộng đồng quốc tế có lợi ích gắn bó với Biển Đông đều đang cảnh giác trước những hành vi, hoạt động bất thường của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này. Đồng thời, cũng đã có những động thái nhằm phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ, quyết không để tái lập lại những gì đã xảy ra vào các năm 1995 và 2012.

Trong động thái nhằm răn đe sự leo thang tham vọng chủ quyền của Trung Quốc khi điều hàng trăm tàu dân binh biển tập trung ở bãi đá Ba Đầu, hải quân Philippines đã tăng cường tiến hành tuần tra. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của không quân nước này đã bay qua hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc như nhằm thị uy.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận các chiến đấu cơ và máy bay quân sự của nước này đã “theo sát hàng ngày” nhóm tàu Trung Quốc ở bãi đá Ba Đầu. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh, hải quân và lực lượng tuần duyên nước này sẽ tăng cường hiện diện, tiến hành các cuộc tuần tra ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông).

Những hành động đáp trả mạnh mẽ của Philippines được sự hậu thuẫn của Mỹ cũng như các cường quốc thế giới quan tâm và có lợi ích chiến lược gắn bó với Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tuyên bố trên Twitter sáng 29-3 đã khẳng định, Mỹ sẽ “luôn sát cánh các đồng minh của mình và đứng lên bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời nêu rõ “sát cánh với đồng minh Philippines khi đối diện lực lượng dân binh biển của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Ông Antony Blinken cũng chỉ trích thẳng thừng việc lực lượng dân binh biển Trung Quốc tụ tập bất thường ở bãi đá Ba Đầu. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cũng tuyên bố: “Trung Quốc sử dụng dân binh biển để dọa dẫm và khiêu khích các nước khác. Điều này phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Nhiều quốc gia ngoài khu vực Biển Đông như Canada, Nhật Bản, Australia, Anh… cũng đã chỉ trích những hành động gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Đại sứ Canada tại Philippines Peter MacArthur chỉ trích đích danh Trung Quốc trong tuyên bố đưa ra trên Twitter: “Canada phản đối những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông - gồm những hành động bên ngoài bờ biển Philippines, vốn gây leo thang căng thẳng - phá hoại sự ổn định khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS); nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán DOC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-long-bao-ve-hoa-binh-an-ninh-on-dinh-va-trat-tu-phap-ly-tren-bien-dong-post462055.antd