Dông lốc, mưa đá gây thiệt hại tại nhiều địa phương

Đêm 15, rạng sáng 16-4, tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn) xảy ra gió lớn và mưa đá làm gần 100 nhà dân, nhà công vụ, trường học tại bốn xã: Hùng Việt, Kháng Chiến, Tân Tiến và Quốc Việt bị tốc mái và hư hỏng. Trong đó, 10 ngôi nhà ở xã Hùng Việt bị hỏng nặng, tốc mái hoàn toàn, gần 10 ha hoa màu bị ảnh hưởng; không có thiệt hại về người.

Người dân xóm Phú Yên, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) chung tay khắc phục hậu quả do dông lốc, mưa đá. Ảnh: Đức Nam

Người dân xóm Phú Yên, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) chung tay khắc phục hậu quả do dông lốc, mưa đá. Ảnh: Đức Nam

Chiều 15-4, dông kèm mưa đá quét qua xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Trận mưa kéo dài khoảng năm phút, đường kính trung bình của hạt đá 0,7 cm; những hạt lớn đạt mức 1 đến 1,5 cm. Mưa đá đi kèm với mưa rào và gió mạnh đã gây thiệt hại về hoa màu của nhân dân.

Các ngày 14 và 15-4, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra dông lốc, mưa đá, làm 1.160 nhà dân, 11 điểm trường, nhà văn hóa xóm bị tốc, thủng mái; hơn 220 ha ngô, lúa và 195 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, ước thiệt hại hơn 32 tỷ đồng, trong đó huyện Định Hóa bị thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 30 tỷ đồng.

Ngày 16-4, Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, trưa 15-4 xảy ra vụ sạt lở gần 30 m bờ sông Cái Sắn thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh làm bốn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, ước thiệt hại hơn một tỷ đồng. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp dân trục vớt tài sản, hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai để khắc phục hậu quả. Xã Vĩnh Trinh hỗ trợ mỗi hộ hai triệu đồng để mua sắm nhu yếu phẩm.

Tại Cà Mau, hiện có hơn 43.000 ha rừng tràm bị khô hạn nghiêm trọng, nguy cơ cháy rất cao. Theo số liệu cập nhật từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh vào chiều 16-4: mức cảnh báo cháy cấp bốn (cấp nguy hiểm) đã tăng lên hơn 15.000 ha, và cấp năm (cấp cực kỳ nguy hiểm) là gần 20.000 ha. Chính quyền và các đơn vị chức năng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiêm cấm người dân đốt đồng, đốt rẫy trong mùa khô, đồng thời thực hiện đồng bộ các phương án ứng trực, sẵn sàng tại các chốt theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhằm ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nắng nóng diễn ra liên tục và kéo dài từ đầu năm đến nay nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Theo dự báo, năm nay tại Phú Yên có sáu đến bảy đợt nắng nóng. Nguy cơ hạn hán và cháy rừng sẽ diễn ra trên diện rộng. Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm có nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ, để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng.

Ngày 16-4, Truyền tải điện Quảng Bình cho biết, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và bảo đảm an toàn hành lang lưới điện (ATHLLĐ), đơn vị đã phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phát dọn hành lang tuyến đường dây, tổ chức cho các chủ rừng ký cam kết thực hiện đúng quy định về PCCCR cũng như bảo đảm ATHLLĐ. Hai đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng các chủ rừng dọc hành lang lưới điện tuân thủ nghiêm quy định và chủ động xử lý nhanh, hiệu quả tình huống xấu phát sinh.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Pa (Gia Lai) cho biết, vừa phát hiện hơn 4 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố (huyện Ia Pa) bị đốt, chặt phá. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện chín vị trí rừng sản xuất và rừng phòng hộ bị chặt phá, đốt trụi. Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa đang củng cố hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sáng 16-4, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Quỳnh Mỹ. Tính đến ngày 15-4, sau 30 ngày kể từ khi ổ dịch cuối cùng xuất hiện, tại xã này đã không phát sinh thêm ổ dịch. Trước đó (từ ngày 12-3 đến 16-3), xã Quỳnh Mỹ xuất hiện liên tiếp hai ổ dịch tả lợn châu Phi tại hai hộ chăn nuôi và đã tiêu hủy 23 con.

Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, lúc 7 giờ 30 phút ngày 16-4 xảy ra vụ chìm sà-lan NB 2466 (không tải) thuộc Công ty vận tải Trường Thành (tỉnh Ninh Bình) tại sông Tam Bạc, TP Hải Phòng. Nguyên nhân được xác định là do hỏng máy, trôi dạt bị chìm. Địa phương huy động lực lượng tại chỗ, tổ chức cứu nạn toàn bộ các thuyền viên trên tàu an toàn.

Ngày 16-4, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu BV 8118 TS với bốn ngư dân và tàu BV 88888 TS với 16 ngư dân bị mất liên lạc tại tọa độ 070000 phút bắc - 109032 phút đông, cách phía đông bắc đường phân định Việt Nam - In-đô-nê-xi-a khoảng 20 hải lý. Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giữ liên lạc với chủ phương tiện, phát thông báo cho các phương tiện hoạt động gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39878002-dong-loc-mua-da-gay-thiet-hai-tai-nhieu-dia-phuong.html