Dông, lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương

Ðêm 28, sáng 29-3, tại hai huyện Na Rì và Pác Nặm (Bắc Cạn) xảy ra mưa, lốc làm tốc mái 428 nhà dân; một số diện tích hoa màu bị gãy, đổ, ngập úng. Ước thiệt hại do mưa, lốc ở hai huyện khoảng 650 triệu đồng. Tại huyện Mường Khương (Lào Cai), tối 28-3 xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc làm tốc mái 14 nhà dân, thiệt hại 3,3 ha cây trồng ở các xã Lùng Vai, Thanh Bình, La Pán Tẩn. Ngày 29-3, tại một số xã của huyện Bình Gia (Lạng Sơn) xảy ra lốc, gió giật mạnh, kèm theo mưa đá làm hơn 349 nhà dân tốc mái; 6,5 ha cây keo bị đổ. Tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cũng vừa xảy ra lốc xoáy làm 158 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 350 triệu đồng. Các địa phương huy động lực lượng tại chỗ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và thống kê thiệt hại.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, hiện nay ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển và nén rãnh áp thấp dịch chuyển xuống phía nam. Từ chiều tối 31-3, ở phía đông Bắc Bộ có mưa dông diện rộng. Từ ngày 1-4, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông nhiều nơi, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Các tỉnh Ðông Bắc Bộ từ đêm 31-3 trời chuyển lạnh. Ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

* Hôm nay (30-3), ở vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá, cấp 1.

* Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, ở các tỉnh Nam Bộ, mùa mưa năm nay bắt đầu vào tuần thứ hai của tháng 5, muộn hơn trung bình mọi năm. Trong khi đó, nắng nóng đang diễn biến khá phức tạp. Nhiệt độ năm nay sẽ cao hơn trung bình các năm trước.

* Ðến nay, tại tỉnh Bến Tre có khoảng 45 ha lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Tỉnh đóng các cống ngăn mặn, trữ nước ngọt, khuyến cáo người dân không bơm nước vào đồng ruộng khi độ mặn lên cao...

* Khan hiếm nước sinh hoạt trầm trọng xảy ra tại xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Toàn xã có hơn 1.770 hộ dân với khoảng 6.800 nhân khẩu đang thiếu nước.

* Tại các huyện phía bắc của tỉnh Ðác Nông, nhiều tháng nay không có mưa. Theo dự báo, đến tháng 4, toàn tỉnh sẽ có khoảng 16 xã thiếu nước cục bộ. Vì vậy, việc bơm chuyển, điều tiết nước giữa các hồ đập thủy lợi đang được ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện.

* Huyện Ðác Pơ (Gia Lai) cho biết, do nắng nóng kéo dài làm gần 30 ha lúa bị hạn. Huyện vận động nhân dân sử dụng nguồn nước hợp lý, ưu tiên nước tưới cho diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông.

* Tại huyện M’Ðrắc (Ðác Lắc), tổng lượng mưa từ đầu năm đến nay chỉ đạt 143 mm, lượng nước ở các công trình thủy lợi thiếu hụt làm khoảng 200 ha cây trồng bị thiếu nước nghiêm trọng. Khoảng 400 ha cây trồng có nguy cơ mất mùa, nếu thời gian tới không có mưa.

* Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục lây lan ở tỉnh Quảng Ninh. Mới nhất, dịch đã phát sinh tại bốn hộ chăn nuôi ở thành phố Uông Bí và thị xã Ðông Triều. Ðến nay, dịch xuất hiện ở 47 hộ thuộc năm huyện, thị xã, thành phố với 482 con lợn tiêu hủy.

* Tỉnh Hưng Yên đã tiêu hủy hơn 13 nghìn con lợn bệnh và nghi nhiễm bệnh DTLCP của 522 hộ thuộc mười huyện, thành phố. Tỉnh đã thành lập mười chốt kiểm dịch động vật liên ngành; 15 chốt cấp huyện, thành phố; 287 chốt cấp xã; tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc với hơn 31,9 nghìn lít hóa chất khử trùng, 707 tấn vôi bột.

* Ðoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa kiểm tra công tác xử lý DTLCP tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ðây là địa phương vừa phát sinh dịch ngày 27-3. Ðoàn đề nghị, tỉnh củng cố lại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; tăng cường sử dụng vôi bột, thuốc sát trùng tại khu vực có ổ dịch; hạn chế người, phương tiện ra, vào trang trại chăn nuôi để tránh dịch lây lan ra diện rộng.

* Tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) DTLCP vừa xuất hiện ở xã Hải Chánh, làm 11 con mắc bệnh. Lực lượng chức năng đã tiêu độc khử trùng chuồng trại và các khu vực lân cận. Ðồng thời, thành lập thêm các chốt kiểm dịch ở các tuyến đường trung tâm kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch…

* Ngày 29-3, UBND tỉnh Ðác Lắc công bố dịch lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu, trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc ra, vào vùng có dịch; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ðến nay, dịch làm 1.602 con lợn mắc bệnh, trong đó số lợn chết, tiêu hủy 1.537 con.

* Ngày 29-3, tỉnh Bến Tre cho biết, vừa phát hiện thêm một ổ dịch tai xanh ở 33 con lợn tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Ðến nay, toàn tỉnh đã có chín ổ dịch lở mồm long móng và tai xanh trên đàn lợn với số lượng 204 con chết.

* Ngày 29-3, tỉnh Ninh Thuận tổ chức thả 2,7 triệu con tôm và hai nghìn con cá giống ra biển. Tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức thả 800 nghìn con tôm giống nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tỉnh kêu gọi ngư dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các hoạt động thiết thực. UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa thả 600 nghìn con tôm, cá, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Chi cục Thủy sản TP Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4-1959 - 1-4-2019). Nhân dịp này, TP Hà Nội đã thả 2.000 con cá chép, cá trôi xuống sông Ðáy tại xã Cao Dương, huyện Thanh Oai.

* Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam vừa cứu nạn một ngư dân bị thương nặng trên biển. Trước đó, tàu cá QNa 90767 TS đang đánh bắt hải sản trên biển thì một ngư dân bị thương nặng ở cổ, máu chảy nhiều. Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 đi cứu nạn, đưa vào đất liền điều trị.

* Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, lúc 19 giờ ngày 29-3, tàu cứu nạn SAR 273 của Vietnam MRCC đã đưa toàn bộ 16 thuyền viên cùng tàu cá NA 90558 TS về cảng Lạch Quèn (Nghệ An) an toàn, bàn giao cho cơ quan chức năng. Trước đó, trưa 27-3, tàu bị hỏng máy chính, thuyền viên cố gắng khắc phục sự cố nhưng không được, phải thả trôi trên biển, cách cửa Lạch Quèn khoảng 100 hải lý về hướng đông bắc, trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Trên tàu có thuyền viên Trần Quang Khải bị tai nạn lao động gãy tay, mất nhiều máu.

* Vào khoảng 16 giờ 15 phút ngày 29-3, tàu chở hàng Lý Sơn 09, do ông Nguyễn Trung, trú ở huyện Lý Sơn, làm thuyền trưởng bị chìm khi đang trên đường từ đất liền ra đảo Lý Sơn. Nhận được tin báo, huyện Lý Sơn đã khẩn cấp điều động tàu khách siêu tốc Biển Ðông ra ứng cứu và đã vớt được toàn bộ sáu thuyền viên trên tàu bị nạn, đưa vào bờ an toàn. Tuy nhiên phương tiện và hàng hóa trên tàu Lý Sơn 09 đã bị chìm. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Ngày 29-3, tại Hà Nội, Trung tâm Phòng, chống thiên tai (PCTT) châu Á (ADPC) phối hợp Tổng cục PCTT tổ chức hội thảo xây dựng khả năng phục hồi cho khu vực đô thị trước thiên tai và các vấn đề khí hậu cực đoan ở Ðông - Nam Á.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39683402-dong-loc-gay-thiet-hai-tai-nhieu-dia-phuong.html