Đồng loạt triển khai, thu phí không dừng sẽ 'cán đích' đúng hạn?

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát chặt tiến độ triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) đồng thời công khai các thông tin liên quan đến dự án để lái xe, doanh nghiệp vận tải đồng thuận, sẵn sàng sử dụng dịch vụ.

Dịch vụ thu phí tự động không dừng giúp phương tiện lưu thông nhanh hơn, giảm ùn tắc. Ảnh: PV

Dịch vụ thu phí tự động không dừng giúp phương tiện lưu thông nhanh hơn, giảm ùn tắc. Ảnh: PV

Cơ bản đáp ứng tiến độ

Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, đến nay, dự án ETC đã có những bước chuyển biến tích cực. Đại diện nhà đầu tư dự án giao thông đang lắp đặt thiết bị ETC tại trạm thu phí thông tin, tập đoàn Đèo Cả đã triển khai hệ thống ETC tại 3 trạm, gồm trạm Km93 - Quốc lộ 1, trạm cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và trạm Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đối với các trạm còn lại, gồm trạm Ninh Lộc (dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Đèo Cả - Khánh Hòa), trạm Đèo Cả, Cù Mông (dự án mở rộng hầm Đèo Cả qua Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên), mặc dù gặp nhiều khó khăn, song để bảo đảm tiến độ, tập đoàn đang tích cực phối hợp với Bộ GTVT chủ động kinh phí để hoàn thiện hệ thống trong tháng 12/2020.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tính đến hết tháng 11/2020, giai đoạn 1 (gồm các trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc) đã có 40/44 trạm thu phí triển khai và vận hành hệ thống ETC. Các công việc tiếp theo đang được hoàn thiện, như dán thẻ thu phí tự động không dừng (E-tag), phân luồng giao thông cho phương tiện sử dụng dịch vụ ETC. 4 trạm còn lại thuộc hệ thống đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, tuy Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lùi sau ngày 31/12/2020 nhưng Bộ vẫn tiếp tục tìm cách tháo gỡ nguồn vốn để thực hiện đầu tư thu phí ETC sớm.

Có dán thẻ mới thấy hết tiện ích của thu phí không dừng

"Nhiều người dân khi chưa dán thẻ còn băn khoăn nhưng khi đã thực hiện mới thấy hết tiện ích của nó, không phải chờ đợi, không mất thời gian dừng xe, lưu thông nhanh hơn, giảm ùn tắc, giúp tham gia giao thông văn minh hơn", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chia sẻ.

Ngoài ra, trong tổng số 33 trạm thu phí thuộc giai đoạn 2, 8 trạm có tính chất đặc thù đã kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để bảo đảm hiệu quả vận hành. 25 trạm đủ điều kiện sẽ hoàn tất việc lắp đặt thiết bị để triển khai thu phí ETC trước ngày 31/12/2020. Đến nay, cơ bản toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc đã và đang lắp đặt, vận hành hệ thống ETC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TPHCM là một trong các địa phương đang ráo riết triển khai cho các chủ đầu tư trạm thu phí hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC. Trên địa bàn thành phố đã lắp đặt hệ thống ETC tại 3/5 trạm thu phí. 2 trạm còn chưa triển khai ETC là do đang tạm dừng thu phí và chưa đưa vào hoạt động. Hiện Sở GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư để hoàn thiện hệ thống ETC. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC chiếm tỉ lệ chưa cao. Cụ thể, trạm An Sương - An Lạc chiếm 5,4%, trạm Phú Mỹ chiếm 27% tổng số lượng phương tiện lưu thông.

Kết nối liên thông

Chủ phương tiện dán thẻ ETC hiện nay chủ yếu tự nguyện, nên kết quả dán thẻ chưa cao.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay cả nước có khoảng 1 triệu xe (trong số 3,8 triệu xe) dán thẻ. Trong khi trước đây chỉ có 10% người dân nạp tiền sử dụng dịch vụ thì nay đã tăng lên hơn 40%. "Có thể thấy, lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải đã thấy được lợi ích của thu phí tự động không dừng. Tới đây, sau tháng 12, các trạm do địa phương quản lý cũng hoàn thành thu phí không dừng và kết nối với nhà cung cấp dịch vụ. Toàn bộ hệ thống đường bộ có trạm thu phí sẽ được kết nối liên thông, khi đó lượng xe dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ sẽ tăng theo", ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ.

Về việc kết nối tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết: Tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân cũng sẽ được kết nối như ví điện tử tạo thuận tiện cho người dùng. Hiện tại, khi dán thẻ thu phí không dừng, chủ phương tiện phải có một tài khoản, gọi là tài khoản giao thông. Tài khoản này chưa được coi là ví điện tử và không được kết nối với tài khoản cá nhân. Chủ phương tiện phải nạp một số tiền nhất định trước khi lưu thông qua trạm thu phí và không được tính lãi. Đến nay, khi kết nối hai tài khoản (tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân), chủ tài khoản sẽ được tự quyết định chuyển số tiền phù hợp với hành trình.

Thậm chí, chủ phương tiện có thể rút tiền trong tài khoản giao thông sử dụng cho mục đích khác, không giống như trước đây, chủ phương tiện chỉ có thể nộp tiền vào tài khoản giao thông và không thể rút ra. Như vậy, chủ phương tiện có thể rút tiền bất cứ lúc nào mà không còn phải lo tiền nằm im trong tài khoản nhưng không được tính lãi.

"Trong tổng số hơn 70 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý triển khai, có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, việc kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện xong. Điều này giúp chủ phương tiện chỉ sử dụng một thẻ đi qua được tất cả các trạm trong toàn quốc. Những xe đã dán thẻ nhưng không đủ tiền trong tài khoản qua trạm, cũng sẽ nghiên cứu cơ chế báo cho chủ phương tiện, cơ quan chức năng để thu tiền khi đi đăng kiểm. Muốn vậy phải có chế tài bằng hình thức xử phạt và sẽ nghiên cứu mức phạt, nhất là xử phạt nguội đối với xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng", Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói thêm.

Đối với việc kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ, ông Bùi Trình, Giám đốc Công ty Giải pháp giao thông số Việt Nam cho biết, Viettel đang triển khai đồng loạt lắp thiết bị tại 18 trạm, trong đó 2 trạm đã vận hành, đảm bảo đến ngày 10/12 hoàn thành 25 trạm.

"Hiện tại, hệ thống của Viettel đã sẵn sàng, chủ phương tiện có thể thanh toán qua ví điện tử như ViettelPay. Việc kết nối liên thông giữa tài khoản của BOO1 và ViettelPay liên thông được giữa hai hệ thống sẽ thuận tiện hơn cho thanh toán", ông Trình nói.

Được biết, trong tháng 12 này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng theo Nghị định 100/2019 với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng cho lỗi đi sai làn. Bên cạnh đó, sẽ tiến tới xử phạt nguội, thông báo cho chủ phương tiện và sẽ truy thu, xử phạt khi ô tô đi đăng kiểm. Xe không dán thẻ sẽ phải chờ kể cả trạm ùn tắc cũng không xả trạm để khuyến khích chủ phương tiện nạp tiền, sử dụng dịch vụ, nâng cao hiệu quả thu phí không dừng. Bộ GTVT khẳng định, tuy còn những vướng mắc nhưng đến nay tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra (trước ngày 31/12/2020).

Phí ETC sẽ minh bạch nguồn thu phí của nhà đầu tư BOT

"Việc nộp phí ETC là giải pháp góp phần minh bạch nguồn thu phí của nhà đầu tư BOT bên cạnh hệ thống giám sát thu phí trực tuyến. Bởi vì, tiền thu phí ETC sẽ được chuyển vào tài khoản trung gian, sau đó phân phối vào tài khoản ngân hàng cho từng dự án BOT căn cứ theo số lượng xe qua trạm thu phí dự án đó. Khi tài khoản thu phí của chủ xe được tài khoản ngân hàng chuyển tiền tự động theo hạn mức đăng ký thì không lo chuyện lái xe quên nộp tiền hay nộp quá nhiều vào tài khoản thu phí mà không sử dụng hết", ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) nhấn mạnh.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dong-loat-trien-khai-thu-phi-khong-dung-se-can-dich-dung-han-2020120714374182.htm