Đồng loạt bán trái phiếu Mỹ, kinh tế Nga thăng hoa

Sau Nga đến hàng loạt quốc gia khác bán tháo trái phiếu Mỹ, Mỹ trừng phạt khiến kinh tế Nga thăng hoa.

Sau khi Moscow tung cú đánh đầu tiên bán tháo trái phiếu Mỹ, đến lượt Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục động thái này.

Thông báo từ Kho bạc Mỹ xác nhận, Trung Quốc đã liên tục bán tháo trái phiếu Mỹ trong vòng 3 tháng qua.

Nhiều quốc gia đồng loạt bán tháo trái phiếu Mỹ.

Số nợ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm và xuống mức 1,165 nghìn tỷ USD vào tháng 8 trong khi đó tháng 7 vẫn ở mức 1,171 nghìn tỷ USD. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp con số này theo chiều đi xuống, trùng hợp với thời điểm Mỹ và Trung Quốc nổ ra chiến tranh thương mại.

Đến nay, Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, tiếp đó là Nhật Bản.

Nhưng ngay cả Nhật Bản cũng đang giảm dần xếp hạng của mình khi đã tiếp tục bán trái phiếu Chính phủ Mỹ. Con số này vào tháng 8 là 1,029 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, các nhà đầu tư quốc gia này lại ưu ái mua nợ của Anh trong tháng 8 và quyết định bán trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức.

Động thái liên tiếp của Trung Quốc và Nhật Bản tiếp đà từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ khi đồng loạt bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tự rút khỏi nhóm 30 quốc gia chủ nợ hàng đầu của Mỹ sau xích mích liên quan tới cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm 30 chủ nợ nhưng đã giảm dần lượng trái phiếu chính phủ Mỹ suốt 5 tháng liên tiếp, từ 157 tỷ USD ở tháng 3 xuống chỉ còn 140 tỷ USD vào tháng 8.

Người đi đầu phong trào bán tháo trái phiếu Mỹ là Nga. Moscow đã bán đi 84% trái phiếu chính phủ Mỹ mà quốc gia này nắm giữ. Tính đến tháng 6, Nga chỉ còn nắm giữ khoảng 14,9 tỷ USD.

Trước làn sóng các nước từ chối trái phiếu Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định chứng khoán này vẫn rất hấp dẫn.

Khi Trung Quốc đề cập đến việc sẽ dùng trái phiếu Chính phủ Mỹ để đáp trả đòn đối đầu thương mại giữa hai nước, ông Steven Mnuchin đã nói: “Nếu họ quyết định không muốn giữ nữa, vẫn còn nhiều người mua khác”.

Theo giới phân tích, việc tăng trưởng kinh tế được đánh giá dựa trên nợ vay chỉ đạt hiệu quả trong trường hợp kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng trong bối cảnh kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hoặc suy thoái như hiện nay thì sẽ mang đến hậu quả.

Thực tế cho thấy, báo cáo từ Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/10 cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách của Chính phủ liên bang Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, khiến ngân sách nước này có mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2012.

Với đà này mức thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ sẽ tiến nhanh tới mức 1.000 tỷ USD sớm hơn thời điểm các nhà kinh tế dự báo và sẽ tăng lên mức 1.100 tỉ USD vào năm 2019.

Kinh tế Nga chắp cánh nhờ trừng phạt Mỹ

Trong một diễn biến khác, hôm 17/10, tờ Wall Street Journal cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt vào nền kinh tế Nga đã dẫn đến một "sự tăng trưởng bất ngờ" trong nền kinh tế Nga.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến giá dầu tăng, làm suy yếu đồng nội tệ Nga nhưng lại khiến hàng hóa Nga tăng sức cạnh tranh và giúp nền kinh tế Nga được tăng trưởng.

Các số liệu cho thấy, các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Tehran dẫn đến việc giá dầu tăng 14% kể từ giữa tháng Tám, cho phép các nhà xuất khẩu vàng đen, bao gồm cả Nga tăng đáng kể doanh thu. Đặc biệt, giá bán của các công ty dầu mỏ của Nga là Rosneft và Lukoil năm nay tăng lần lượt 56% và 39%.

Trong khi đó, đồng rúp mất giá lại khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Nga được tăng lên. Kể từ tháng Tư vừa rồi đồng rúp đã giảm 15%.

"Nga được hưởng lợi hơn từ giá dầu cao và một đồng rúp suy yếu. Từ góc độ ngân quỹ, điều này chẳng khác nào nhân đôi tích cực" - tờ báo dẫn lời của một chuyên gia từ công ty đầu tư Aberdeen Asset Management.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dong-loat-ban-trai-phieu-my-kinh-te-nga-thang-hoa-3367527/