Đồng Libra của Facebook: Nguy cơ chủ quyền tiền tệ quốc gia

Dù đồng Libra của Facebook được nhiều công ty công nghệ hàng đầu ủng hộ song chuyên gia lo ngại nó sẽ gây ra nguy cơ lớn với các quốc gia.

Vượt sự kiểm soát của các quốc gia

Facebook vừa cho biết sẽ phát hành đồng tiền điện tử Libra, dự kiến giao dịch chính thức từ đầu năm 2020. Được mô tả là cơ sở hạ tầng tài chính - tiền tệ mang tính toàn cầu, Libra được lãnh đạo Facebook khẳng định "không tạo ra với mục đích thay thế các ngân hàng trung ương lớn".

Tuy nhiên, đồng tiền này được giới phân tích đánh giá có thể tạo nên cơn địa chấn toàn cầu trong ngành tài chính.

Thậm chí, có ý kiến lo ngại, cùng với USD, Libra sẽ trở thành công cụ để Mỹ kiểm soát tài chính toàn cầu.

Nhận xét về đồng tiền điện tử Libra, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tiền tệ thế giới khi một đồng tiền được tạo ra và có khả năng sẽ được sử dụng bởi tất cả mọi người trên thế giới, không bị ràng buộc bởi những chính sách tiền tệ của các quốc gia. Đây vừa tin vui, vừa là điều rất đáng lo ngại.

Ở khía cạnh tích cực, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đồng Libra có thể thay thế một số đồng tiền cứng hiện tại, như USD, đồng bảng (pound sterling), yên Nhật, euro.

"Nếu hơn 2 tỷ người dùng của Facebook tham gia sử dụng đồng tiền điện tử Libra thì đó sẽ là đồng tiền có thể có tầm ảnh hưởng lớn, tạo ra rất nhiều điều kiện để giao dịch, mua bán, chuyển nhượng hàng hóa dễ dàng.

Đồng thời, tính bảo mật của đồng tiền này rất cao vì cũng giống như đồng Bitcoin, nó dựa vào công nghệ Blockchain, khó có hacker nào có thể đột nhập hay phá vỡ hệ thống của nó", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Hiện Facebook đã làm việc với nhiều công ty tài chính - công nghệ hàng đầu thế giới như Mastercard, Visa, Paypal, Ebay... và nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức tài chính, cổng thanh toán thế giới và một số chính phủ. Đến năm 2020, khi đồng tiền điện tử trên phát hành, TS Nguyễn Trí Hiếu tin rằng nó sẽ trở thành một sự kiện quan trọng trong hệ thống tiền tệ thế giới.

Facebook ra mắt tiền điện tử Libra, thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu. Ảnh: Reuters

Facebook ra mắt tiền điện tử Libra, thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu. Ảnh: Reuters

Dù vậy, sự ra đời của đồng Libra này mang lại nhiều rủi ro, mà rủi ro trước tiên được vị chuyên gia chỉ ra đó là, Libra đồng tiền không chịu sự kiểm soát của bất kỳ chính phủ nào.

"Dĩ nhiên chính phủ Mỹ có thể có tác động nào đó do trụ sở Facebook đặt tại Mỹ nhưng việc lưu giữ những dữ liệu này sử dụng công nghệ Blockchain và nó có thể nằm trong một hệ thống điện toán toàn cầu.

Về mặt kỹ thuật, Libra có thể độc lập với chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ hay bất kỳ chính phủ nào cũng khó có thể phá vỡ hay điều hành được hệ thống này nếu Facebook không giao quyền điều hành cho một chính phủ nào, hoặc trừ khi chính phủ đó dùng những biện pháp hành chính hoặc công cụ kỹ thuật để áp vào hệ thống đó.

Vì thế, Mỹ có thể có ảnh hưởng nhưng khả năng Mỹ dùng đồng Libra để thay thế đồng USD và chiếm giữ được vị trí số 1 toàn cầu như của đồng USD thì rất khó xảy ra", TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng đồng Libra sẽ được sử dụng song hành cùng đồng USD và đồng tiền của các quốc gia khác như đồng bảng, euro, yên Nhật..., đồng thời sự phổ biến của nó có thể vượt qua cả các đồng bạc cứng hiện đại.

"Đây là rủi ro lớn cho tất cả các quốc gia vì nếu thật sự đồng Libra được phát hành, phổ biến vượt trên sự kiểm soát của các quốc gia thì nó có thể đẩy một số quốc gia vào khủng hoảng tài chính. Và dự báo nó có thể tiêu hủy chủ quyền tiền tệ của một số quốc gia", TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

Sự mất kiểm soát của các quốc gia đối với đồng Libra có thể dẫn đến rất nhiều hậu quả như: rửa tiền, chuyển nhượng tài sản từ quốc gia này sang quốc gia khác; tài trợ những nhóm khủng bố trên thế giới mà không trải qua sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào. Người tham gia có thể chuyển tiền bẩn - tiền phạm pháp, ma túy, mại dâm, cờ bạc.. thành tiền sạch, từ đó có thể mua bán, tránh sự truy lùng của các cơ quan an ninh. Cuối cùng, thế giới tiền tệ có thể mất kiểm soát qua đồng Libra.

Việt Nam phải có sự chuẩn bị

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được lưu lượng tiền tệ, cung tiền và sự vận hành của đồng tiền.

Tuy nhiên, nếu người dân Việt Nam tham gia sử dụng đồng Libra, trong trường hợp đó, ngay cả các cơ quan quản lý cũng có thể mất kiểm soát đối với sự lưu hành của đồng Libra tại Việt Nam, trừ trường hợp chính phủ đóng cửa "biên giới".

"Biên giới ở đây không nói về không gian trong lãnh thổ Việt Nam mà còn mang tính trừu tượng, chỉ tất cả giao dịch đồng Libra bị cấm tuyệt đối ở Việt Nam. Khi ấy, có thể chính phủ kiểm soát được, còn trong trường hợp đồng tiền ấy mở rộng thì rất khó kiểm soát", TS Nguyễn Trí Hiếu giải thích.

Ông lưu ý trên đây chỉ là dự báo và những nguy cơ ấy có xảy ra hay không không ai biết trước được. Điều ấy tùy thuộc vào việc đồng Libra có được tin tưởng và giao dịch hay không. Nếu có, đồng thời đồng tiền ấy được sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, cổng thanh toán thế giới, một số chính phủ thì sức mạnh của nó sẽ khó lường.

Vì thế, Việt Nam cần có sự chuẩn bị và có những quyết sách đối với việc này, TS Hiếu nhấn mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dong-libra-cua-facebook-nguy-co-chu-quyen-tien-te-quoc-gia-3382474/