Đọng lại sau cơn say

Không có biện pháp ngăn cản, căn bản vì anh ta lệ thuộc vào cái dư vị 'cay cay, nồng nồng' không muốn thoát ra. Ban đầu, quả nhiên anh ta uống rượu nhưng đến cùng rượu đã nuốt chửng và đẩy anh ta vào con đường tù tội...

Bị cáo Lê Duy Thanh tại phiên tòa.

Bị cáo Lê Duy Thanh tại phiên tòa.

Người khôn chính là người uống rượu, người dại chính là người để rượu uống mình... lời người đời ngẫm chẳng chút sai. Lê Duy Thanh (SN 1981, trú TT Hà Lam, H. Thăng Bình, Quảng Nam) có cái tật rượu vào là lời ra, mà không uống thì thôi, uống lúc nào cũng phải “tới bờ tới bến” mới chịu. Chính vì làm nô lệ của ma men nên một khi được “nhập tửu”, Thanh lại bắt đầu có những hành động lời nói khác người. Đáng nói, cái khác ở đây không nằm ở chỗ độc đáo, “một người nói nhiều người vui” mà lời nói mất kiểm soát, không gây hiềm khích thì cũng khiến người khác sôi máu lên vì tức.

Vào chiều 17/2/2018, Lê Duy Thanh đến quán tạp hóa của bà Trần Thị B. tại thị trấn Hà Lam chơi đánh bài Tết ăn tiền. Tại đây có một số thanh niên trong xóm của Thanh đến nhà bà B. chúc Tết và tụ tập chơi bài, trong đó có anh Nguyễn Vĩnh K. (SN 1974). Thời điểm này, Thanh đã “tê tê” vì rượu nên khi nhập cuộc đã có những lời nói và hành động đùa giỡn quá trớn khiến mọi người trong sới bạc bực tức. Thấy vậy, anh K. đã ra lời khuyên Thanh: “Mi say rồi thì về ngủ đi để cho người ta chơi”. Nghe vậy, Thanh có lời lẽ xúc phạm anh K. rồi xông vào dùng tay phải đánh vào mặt anh K. Lúc anh K. đi tìm hung khí đánh trả thì được mọi người can ngăn. Bức xúc trước hành động của anh K., Thanh tiếp tục chạy ra trước quán nhặt một cục gạch xông vào đánh anh K. nhưng được mọi người ngăn cản.

Chưa hả cơn giận, lát sau, Thanh đuổi đánh anh K. đến khu đất trống cách quán bà B. chừng 15m. Tại đây, anh K. nhặt 2 vỏ chai thủy tinh đập vào nhau tạo cạnh sắc nhọn cầm trên tay với mục đích tự vệ. Thấy vậy, Thanh cũng nhặt một vỏ chai thủy tinh xông đến đập mạnh vào vùng đầu của anh K. gây chảy máu, chai thủy tinh cũng vỡ vụn. Anh K. bị đánh nhưng vẫn xông vào “đáp trả” thì bị Thanh nhặt một cục vữa bê -tông đập vào đầu. Kết quả giám định thương tích cho thấy, anh K. bị chấn thương sọ não, bị liệt tứ chi với tỷ lệ thương tích là 95%.

Từ một chuyện chẳng thấm vào đâu, Thanh đẩy nó thành tấm bi kịch. Thanh- người đàn ông có vợ, bốn đứa con thơ dại và mẹ già, bây giờ họ biết xoay xở như thế nào với đoạn đường phía trước. Anh K. người đàn ông trụ cột, là lao động chính của gia đình, nay thành ra tàn phế. “Liệt tứ chi” chẳng khác nào án tử dội thẳng xuống anh K. và gia đình. Đến bây giờ họ cũng không thể tin rằng, chỉ sau “cơn điên” của Thanh, con họ đã thành ra như thế, mọi thứ đều sụp đổ, tương lai, sự nghiệp... quả thực không dễ gì chấp nhận được sự thật đau lòng ấy.

Cả gia đình Thanh lẫn gia đình anh K. đều sinh ra từ cảnh khó. Đại nạn dội xuống gia đình họ như một tảng đá lớn đè lên, dù vùng vẫy hết sức cũng không thể nào xoay chuyển. Đặc biệt, gia đình anh K., trong cơn bĩ cực của cuộc đời, đã có lúc họ muốn “mạng phải đền mạng”, con họ tàn phế thì không có lý do gì để Thanh có thể... thoải mái sống cho nên muốn có công bằng. Với họ sự công bằng cho con, đồng nghĩa với sự công bằng cho cả gia đình họ. Cũng lắm lúc họ dằn lòng không muốn hận thù dẫn lối, muốn tha thứ bỏ qua nhưng mà họ lại không có cách nào chịu được khi nhìn về con, cháu họ đang phải sống khổ sống sở.

Ngày ra tòa, Thanh không dám nhìn thẳng vào người thân. Ánh mắt luôn trốn chạy. Thực ra, Thanh hiểu được bây giờ mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa, mọi sự hối hận đều trở nên đã quá muộn màng. Cớ gì trước đây, vợ khuyên mẹ nhủ tránh xa rượu chè cờ bạc ra, Thanh chỉ cần nghe một chút thôi thì đã không ra cơ sự như ngày hôm nay. Vì Thanh, một người khỏe mạnh như anh K. này phải nằm một chỗ, đến tự lo cho bản thân cũng là điều xa xỉ. Vì Thanh, người thân của anh K. thêm một gánh nặng cuộc đời, khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Vì Thanh, vợ con và mẹ của già phải ngập lặn trong bể khổ, mang tiếng với đời, với người. Đó chính là cái giá quá đắt khi một người làm, cả gia đình phải gánh trả mà Thanh đã gây ra.

Đại diện VKSND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hành vi của bị cáo Thanh thể hiện tính chất côn đồ khi dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu của bị hại K. gây hậu quả nghiêm trọng. Qua hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh đề nghị HĐXX dành cho bị cáo Lê Duy Thanh mức án từ 15-17 năm tù về tội “Giết người”. Được nói lời sau cùng, Thanh trình bày: “Tôi biết hành vi của tôi là đã quá sai. Nếu như tôi biết nghe lời người thân bớt rượu chè thì tốt biết mấy. Vì tôi mà anh K. ra nông nỗi như vậy, tôi thấy thật khó để tha thứ cho bản thân. Biết là khó khăn để chấp nhận nhưng tôi cũng chân thành gửi đến anh K.và gia đình anh ấy lời xin lỗi từ tận đáy lòng, mong anh rộng lòng bỏ qua. Xin HĐXX tuyên mức án khoan hồng để bị cáo sớm về chăm sóc cho mẹ già và 4 đứa con thơ dại. Có cơ hội lao động để bù đắp phần nào cho anh K.”.

Xét toàn diện hồ sơ vụ án, HĐXX TAND tỉnh Quảng Nam quyết định tuyên bị cáo Lê Duy Thanh 15 năm tù về tội “Giết người”, đồng thời buộc bị cáo phải khắc phục hậu quả do mình gây ra với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

15 năm! đủ để những đứa trẻ trưởng thành, 15 năm cũng đủ để một vết thương liền sẹo... nhưng 15 năm ấy liệu có đủ để một con người như Thanh thức tỉnh, sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh? Căn bản, chừng nào Thanh nhìn thấy sự hiện hữu của anh ta là một món nợ cần phải trả, chừng nào bản thân anh ta luôn cảm giác được tâm của những người vì anh ta mà không ngừng đau nhức, chừng ấy ắt còn hy vọng. Cho nên, đến cùng mà nói, đọng lại sau cơn say của Thanh chẳng có gì ngoài bi kịch để lại!...

Bị cáo Lê Duy Thanh tại phiên tòa.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/dong-lai-sau-con-say-47880.html